KINH DOANH: 6 CÁCH ĐỂ KHÔNG MẤT VỐN TRONG VỤ HỢP TÁC KINH DOANH

KINH DOANH: 6 CÁCH ĐỂ KHÔNG MẤT VỐN TRONG VỤ HỢP TÁC KINH DOANH
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Giám sát thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh là cách tránh mất vốn tốt nhất
    Giám sát thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh là cách tránh mất vốn tốt nhất
Bạn là người có tiền. Bạn muốn tiền đẻ ra tiền. Một mặt, bạn mua nhà mua đất chờ bán lại. Mặt khác, bạn tìm chỗ đầu tư. Bạn tìm đến, hoặc ai đó chủ động gặp bạn nói với bạn họ là người xứng đáng nhất để cầm tiền của bạn, rằng họ có thể mó tay ra vàng. Hoặc giả, cơ hội kiếm tiền đột nhiên xuất hiện. Ví dụ: Dịch COVID 19 khiến bạn nghĩ rằng có thể kiếm bộn từ sản xuất khẩu trang và bạn tìm ai đó để làm. Bạn quyết định đầu tư. Sau một thời gian, người cầm tiền của bạn thông báo là việc làm ăn không thuận lợi, số tiền của bạn đã được chi tiêu hết. Thậm chí bạn biết, người này vẫn rất phong lưu, chất lượng cuộc sống của họ được cải thiện nhờ vào khoản góp vốn của những người như bạn.
Rõ ràng bạn không muốn gặp những người kiểu này. Những dự án như vậy được chúng tôi gọi là dự án “ lỗ rồi “, theo cái cách mà người cầm tiền nói với bạn. Dự án “ lỗ rồi “ có một số đặc trưng:
-Hứa hẹn lợi nhuận “ khủng “ trong thời gian ngắn.
-Người cầm tiền cho thấy hình ảnh choáng ngợp của kẻ thành công.
-Không rõ cách sử dụng đồng tiền thế nào để có lợi nhuận “ khủng “.
-Không chấp nhận công khai thông tin chi tiêu.
-Nhiều biểu hiện đa dạng khác.
Theo luật chơi chung, khi đầu tư, ai cũng phải xác định là lời ăn lỗ chịu. Nếu bạn quá xót tiền mà gặp người cầm tiền đề nghị xin lại, họ sẽ nhắc điều này cho bạn. Sau vài ba lần đòi tiền căng thẳng, bạn đưa việc ra công an. Và công an không giúp được gì cho bạn. Họ bị cấm can thiệp vào hoạt động kinh tế bình thường.
Việc đầu tư của bạn được hiểu là một dạng hợp tác kinh doanh. Các bên sẽ ghi nhận nội dung hợp tác kinh doanh trong cái gọi là hợp đồng hợp tác kinh doanh ( hoặc những văn bản tương tự ). Cơ bản thì hợp đồng có các nội dung: Sản xuất kinh doanh lĩnh vực gì; khoản đầu tư bao nhiêu; tiến độ đầu tư; quyền, cơ bản là quyền được thông tin của những người đầu tư; nguyên tắc tính và chia lợi nhuận…Loại hợp đồng này quan trọng không chỉ ở những thứ được ghi ra giấy, mà là ở chỗ những thứ đó được thực thi ra sao. Người nào đầu tư rõ ràng phải theo sát dự án mới có thể tránh được cảm giác bị lừa khi ai đó nói “ lỗ rồi “.
Một số gạch đầu dòng để những người muốn tiền đẻ ra tiền khi đầu tư kinh doanh tránh việc mất tiền:
1.Xác định không thể kiếm lời lớn trong thời gian ngắn. Tránh xa người hứa hẹn mức lời hấp dẫn. Xác định mức lãi phù hợp bằng cách lấy lãi suất năm của ngân hàng trả cho một sổ tiết kiệm nhân với 1,5. Từ chối dự án nào trả lãi quá xa mức đó
2.Chắc chắn người cầm tiền của bạn có năng lực. Nên xem doanh nghiệp họ kinh doanh gì, có liên quan trực tiếp tới cái họ rủ bạn góp vốn không, nếu có thì hiệu quả thế nào…
3.Hỏi kĩ cách triển khai dự án. Một dự án có nhiều khâu, từ thuê nhân công, mặt bằng, máy móc, vật tư. Dự án cũng kéo trong thời gian đủ dài. Yêu cầu làm rõ chi tiết.
4.Xác định vốn cho dự án bao nhiêu, ai cùng góp với bạn, bạn góp bao nhiêu. Giải ngân có điều kiện. Tốt nhất là chia nhỏ nhiều lần. Lần sau chỉ ra tiền khi các điều kiện nào đó được đáp ứng.
5.Làm rõ cách thức, điều kiện chia lãi, phương thức trả lãi.
6.Xác định quyền được công khai thông tin của bạn với tư cách người góp vốn. Bạn phải được quyền xem sổ sách, giấy tờ, hóa đơn. Bạn cũng phải được giải trình về quá trình thực hiện dự án.