HỦY HOẠI DUNG NHAN VỢ CŨ VÀ SỰ MÂU THUẪN PHÁP LÝ VỚI LÚC LY HÔN

HỦY HOẠI DUNG NHAN VỢ CŨ VÀ SỰ MÂU THUẪN PHÁP LÝ VỚI LÚC LY HÔN
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương
Dương -
     Công an Gia Lâm, Hà Nội đang làm việc với Nguyễn Văn Thông liên quan đến việc tạt axit vợ cũ là Nguyễn Thị H. Được biết, Nguyễn Văn Thông và chị Nguyễn Thị H. từng là vợ chồng. Theo thông tin ban đầu đưa trên báo mạng, hai người đã ly dị nhưng mấy tháng gần vụ việc xảy ra đã quay về chung sống với nhau. Cả hai thuê nhà sống tại thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
     Đây là vụ đáng tiếc. Nguyên nhân từ sự mất kiểm soát của người đàn ông. Vụ việc cho thấy một số câu hỏi người ta nên tự vấn liên quan tới việc ly hôn  có vẻ như được người trong cuộc bỏ qua.
     Trước khi ly hôn, người trong cuộc nên tự xác định:
  • Mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng chưa?
  • Cuộc sống chung có thể kéo dài nữa không?
  • Mục đích hôn nhân có đạt được không?
     Mâu thuẫn như thế nào là trầm trọng rõ ràng người trong cuộc biết nhất. Cuộc sống chung có thể kéo dài không cũng do người trong cuộc tự biết. Vẫn có trường hợp mâu thuẫn lớn, nhưng hai người thỏa thuận chung sống dưới một mái nhà. Mục đích hôn nhân cũng là thứ đa dạng. Nó có thể là việc yêu thương chăm sóc nhau. Nó có thể là cùng chăm sóc con cái. Thậm chí, nó có thể nhằm gia tăng và bảo vệ tài sản. Vì một trong số những mục đích này, người ta vẫn có thể giữ hôn nhân.
     Trong trường hợp chị Nguyễn Thị H., khi đã lựa chọn ly hôn, nghĩa là chị xác định mâu thuẫn vợ chồng trầm trọng, cuộc sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Nói khác đi là chị không còn tình cảm với chồng nữa.
     Tiếc là, Nguyễn Thị H. lại tự mâu thuẫn. Xác định không còn tình cảm, nhưng chị lại chấp nhận kéo dài cuộc sống chung.
     Thêm vào đó, như một số báo đưa, lý do để chị H. chấp nhận chồng cũ quay lại vì muốn con có sự chăm sóc của bố. Đây lại là tự mâu thuẫn. Khi chấm dứt hôn nhân vì không còn tình cảm, điều này đồng nghĩa mục đích cùng chăm sóc con cái cũng không đạt được. Từ đó, tòa án chia con cho một người nuôi. Vậy mà chị H., sau khi ly hôn, lại tiếp nhận đề xuât cùng chăm sóc con cái. Đáng ra, đứa con 8 tuổi của chị nên được dạy dỗ để chấp nhận cuộc sống thiếu đi một trong hai người, bố hoặc mẹ.
     Việc tự mâu thuẫn như vậy có lẽ đã là điều kiện để việc hành hung xảy ra. Chị H. hoàn toàn có thể từ chối từ đầu việc quay lại của người chồng nếu như suy nghĩ về logic của việc mình ly hôn trước đây.
     Vì vậy, luật sư, trước yêu cầu của khách hàng là trợ giúp trong việc ly hôn, câu hỏi đầu tiên họ đặt ra: Hai người còn tình cảm không? Nếu câu trả lời là không, lúc đó luật sư mới vào cuộc.