HÔN NHÂN: THỎA THUẬN NUÔI CON KHI LY HÔN VÀ CÁCH LẬP
HÔN NHÂN: THỎA THUẬN NUÔI CON KHI LY HÔN VÀ CÁCH LẬP
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Thỏa thuận nuôi con của cha mẹ sau khi ly hôn sẽ tránh tác động tâm lý lên con cái, giải quyết vấn đề tài sản
Luật hôn nhân gia đình định ra hai dạng ly hôn, đơn phương và đồng thuận. Đơn phương giành cho những cặp không hàn gắn được tình cảm, không thỏa thuận được về tài sản, con cái. Đồng thuận giành cho những cặp xác định chia tay, thỏa thuận được về hai vấn đề còn lại.
Thực tiễn cho thấy ly hôn đồng thuận luôn nhanh chóng. Mất từ hai đến sáu tuần. Ly hôn đơn phương, do sự phức tạp của việc chia con chia của, kéo dài chừng tám tháng, một năm, hay hơn.
Vì vậy, lời khuyên cho những người muốn chia tay luôn là: Nếu có thể thì ngồi lại nói chuyện với nhau về chuyện ly hôn. Nỗ lực thỏa thuận về các vấn đề tài sản, con cái. Hướng tới việc ly hôn đồng thuận.
Vấn đề mới lại nảy sinh. Việc chia tài sản không dễ. Ngoài vấn đề ai xứng đáng với miếng bánh nào, còn là nỗi lo con chung lớn lên không được gì.
Thêm nữa, sau khi chia tay, việc chăm sóc con cái cũng thật rắc rối. Người này thăm con mà người kia đang nuôi thế nào? Những đứa trẻ được chia ra cho mỗi người đoàn tụ thế nào đây? Chi phí cho việc học của chúng? .v.v...
Một giải pháp được đưa ra, có thể giải quyết cả hai vấn đề: Tài sản và con cái. Hai vợ chồng nên thỏa thuận chi tiết việc nuôi con. Việc thỏa thuận nên được ghi nhận bằng văn tự. Do quá trình nuôi dạy con cái kéo dài, có thể cho tới khi con cái trưởng thành lập nghiệp, nên chi phí ước tính đủ lớn. Nếu cứ theo triết lý những gì tốt nhất của bố mẹ giành cho con cái thì hẳn việc vợ chồng tranh giành tài sản nên được thay thế bằng thỏa thuận hình thành một quỹ chung chăm lo việc học tập, sức khỏe, lập nghiệp của con cái. Thỏa thuận về nguyên tắc thành lập quỹ chung, cách chi dùng, cách quản lý quỹ chung, các cam kết giành tài sản nào cho con cái vào thời điểm nào… thực sự sẽ khiến vấn đề miếng bánh ai to hơn không còn ý nghĩa.
Việc thỏa thuận thăm con hay đoàn tụ những đứa trẻ được chia cho từng người nuôi cũng sẽ tạo ra đời sống tình cảm bình thường của các cựu thành viên gia đình. Nó xóa khoảng cách giữa cái gọi là “ gia đình đầy đủ “ ( của những cặp không ly hôn ) và “ gia đình khiếm khuyết “ ( của những cặp ly hôn ).
Một vài gợi ý nếu cặp vợ chồng nào đó muốn lập thỏa thuận nuôi con khi chia tay:
1.Xác định hướng nuôi dạy con cái, ví dụ tài trợ tiền học, tiền ăn, sinh hoạt… cho con cái đến năm bao nhiêu tuổi. Mỗi người trong hai vợ chồng xác định đóng góp bao nhiêu phần trăm thu nhập cho việc này.
2.Xác định tài sản nào giành cho con cái. Cách quản lý các tài sản này.
3.Xác định một quỹ chung, kiểu như mở một tài khoản cá nhân tại ngân hàng, gửi tiền vào đó, xác định nguyên tắc quản lý quỹ: ai đóng góp, ai rút, điều kiện rút, quản lý việc chi tiêu từ quỹ, chi tiêu vì mục đích gì…
4.Không nhất thiết có tiền mới nghĩ đến thỏa thuận nuôi dạy con cái, hình thành quỹ chung… Kể cả không có tiền, việc thỏa thuận cũng luôn cần thiết, đảm bảo khi có điều kiện thì các thỏa thuận sẽ được thực hiện.
5.Xác định xem và lập lại thỏa thuận sau mỗi khoảng thời gian, tốt nhất là từng năm.
Share :