HÔN NHÂN:THỎA THUẬN CHIA TÀI SẢN CHUNG KHI LY THÂN THẾ NÀO?

HÔN NHÂN:THỎA THUẬN CHIA TÀI SẢN CHUNG KHI LY THÂN THẾ NÀO?
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Thỏa thuận chia tài sản khi ly thân sẽ tiết kiệm nhiều tài sản
    Thỏa thuận chia tài sản khi ly thân sẽ tiết kiệm nhiều tài sản
            Khi mâu thuẫn gia đình trầm trọng, các cặp vợ chồng thường ly thân.  Tuy vậy, việc này chỉ thuần túy là đi nơi khác sống, hàng ngày không thấy mặt nhau. Các vấn đề pháp lý không được giải quyết.
           Thực sự, ly thân là cơ hội để các bên đặt vấn đề chia tài sản trong hôn nhân. Khi còn chung sống, việc đột nhiên đặt vấn đề chia tài sản chung trong hôn nhân nghe hơi kỳ cục. Về tâm lý, các bên chưa chấp nhận việc tách bạch kiểu đó. Đến khi ly thân, các bên có thể thẳng thắn đề cập tới các vấn đề của cuộc hôn nhân của họ. Việc tách bạch tài sản tạo sự chủ động cho cả hai. Mặt khác, sau này khi mọi việc ổn trở lai, các bên có thể tái hợp. Việc phân chia tài sản có thể được các bên thay thế bằng việc gộp phần mình vào khối tài sản chung.
            Về phương diện luật mà xét, ly thân không được Luật Hôn nhân Gia đình Việt Nam quy định. Còn về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, luật cho phép hai vợ chồng tự thỏa thuận. Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định tòa án có thể công nhận sự thỏa thuận đó bằng một quyết định.       Tuy vậy, tới giờ chưa thấy cặp vợ chồng nào được tòa công nhận việc chia tài sản khi hôn nhân vẫn tồn tại.
            Thỏa thuận việc chia tài sản chung là một chuyện. Quan trọng nhất là thực hiện thỏa thuận này. Hai người phải hoàn tất nhiều thủ tục. Thủ tục chia tách Sổ Đỏ chẳng hạn, hai người xác định phần của mình bằng văn bản công chứng, sau đó thì phải qua Văn phòng Đăng ký Đất đai để hoàn tất chuyển tên trên Sổ Đỏ.
            Vậy làm thế nào để vừa ly thân mà vừa có thể tách bạch tài sản chung. Một số chia sẻ:
1/Nên xác định ly thân không chỉ là sống tách biệt. Thời gian này, hai người nên minh bạch một số vấn đề như là nơi ở của cả hai nếu ly dị, con cái sống với ai, tài sản nên chia thế nào. Cả hai hiểu vậy mới đi được các bước tiếp theo.
2/Sau khi hiểu ly thân là thời gian để giải quyết các vấn đề, gồm cả tài sản, hãy lên một danh sách những thứ cần chia. Bạn mà không trực tiếp đối diện với việc chia tài sản theo thỏa thuận thì sau này, pháp luật can thiệp, đằng nào bạn cũng phải chia mà chỉ thêm thiệt.
3/Lên danh sách các tài sản chung cần chia. Chia theo nguyên tắc dễ chia thì thỏa thuận chia trước. Khi chia, đảm bảo tính hiệu quả và nguyên vẹn của tài sản. Ví dụ nhà đang cho thuê làm quán cà phê chẳng hạn thì không nên yêu cầu ngăn nửa nhà.
4/Khi chia tài sản chung vợ chồng nên linh hoạt. Không nhất thiết phải sở hữu. Có thể chấp nhận người kia điều hành tài sản và xác định mình là người góp vốn. Như vậy cần thỏa thuận về việc giám sát tài sản, phân chia lợi nhuận.
5/Nên ghi nhận các nội dung phân chia tài sản bằng văn bản, có người làm chứng. Mặt khác nên xác định lộ trình thực thi các nội dung đã thỏa thuận. Nguyên tắc là thực thi nhanh chóng các thỏa thuận. Cũng nên giành vài dòng trong thỏa thuận về việc giám sát nội dung thỏa thuận.