HÔN NHÂN: LÀM GÌ ĐỂ LY HÔN KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CON CÁI
HÔN NHÂN: LÀM GÌ ĐỂ LY HÔN KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN CON CÁI
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Việc có tư vấn hướng dẫn khi ly hôn sẽ tránh không gây ảnh hưởng tiêu cực đến con cái
Ly hôn ảnh hưởng thế nào tới những đứa trẻ? Hóa ra có hai quan điểm trái nhau hoàn toàn. Quan điểm đầu tiên cho rằng cha mẹ ly hôn không ảnh hưởng gì đến con cái. Đây là quan điểm của các chuyên gia xã hội học phương Tây sau khi nghiên cứu hàng nghìn trường hợp ly hôn trong nhiều năm. Họ cho là trẻ em mau chóng bình thường trở lại sau khi cha mẹ ly hôn. Những vấn đề về học tập, giao tiếp, hướng nghiệp, thái độ sống... không có gì thay đổi. Có chăng, cha mẹ chỉ nên chú ý tới việc thông báo cho đứa trẻ việc họ đang đưa nhau ra tòa. Mà việc thông báo này được khuyên là nên thực hiện trước ngày tòa mở phiên tòa.
Quan điểm thứ hai cho rằng ly hôn tác động mạnh mẽ lên tâm lý, cuộc sống, học tập... của con cái. Những đứa trẻ cảm thấy mất chỗ dựa an toàn. Những thay đổi khi thiếu đi bố hoặc mẹ, khi phải dời chỗ ở, chia tay với anh chị em, thay đổi trường học... khiến đứa trẻ bị trầm cảm...Chúng cũng phải thủ thế, tranh giành nếu chúng bị ghép với con riêng, họ hàng của người mà bố mẹ chúng chung sống... Rồi cả các khó khăn kinh tế. Nếu đứa trẻ còn cả bố và mẹ, việc chi phí cho học hành, vui chơi của chúng thuộc bố và mẹ chúng. Do chỉ còn hoặc bố hoặc mẹ trả tiền , cuộc sống của đứa trẻ eo hẹp hơn nhiều.
Nếu việc ly hôn gồm cả tranh chấp quyền nuôi con, đứa trẻ trở thành mục tiêu tranh giành. Chúng có thể bị gọi ra tòa nếu từ đủ 9 tuổi. Những tác động tâm lý của quá trình làm việc tại tòa của đứa trẻ, việc phải trả lời các câu hỏi của thẩm phán, viết bản ghi ý kiến...là ảnh hưởng khó thể xóa nhòa. Việc phải lựa chọn sống với bố hay mẹ khiến chúng cảm thấy có lỗi với người kia. Đứa trẻ có thể chịu tác động của quá trình tẩy não: Bố hay mẹ muốn giành chúng về mình thường nói xấu để chúng căm ghét người kia. Lý do thật sự dẫn tới ly hôn, như là ngoại tình, bạo hành gia đình, hoặc được đứa bé cảm nhận hàng ngày, hoặc trước sau gì cũng biết...khiến cho đứa trẻ cảm thấy tự ti, mặc cảm.
Quan điểm thứ nhất đúng với xã hội phương Tây, trẻ em thường được khuyến khích tự lập, giáo dục chúng là việc được phân công cho thày cô giáo. Thực tế, với một số gia đình Việt Nam, những người sống ở thành thị chẳng hạn, điều này vẫn có thể đúng. Trẻ em thời buổi này khôn ngoan, tự nhận thức được tình thế, biết đứng tránh chuyện rắc rối người lớn, biết cách xử sự để làm vui lòng cả bố mẹ và không để mọi chuyện ảnh hưởng cuộc sống của chúng.
Quan điểm thứ hai gần sát với những gia đình Việt Nam. Nó là kết quả của việc khảo sát tình trạng trẻ em sau khi bố mẹ ly hôn. Trẻ em chịu tác động ghê ghớm bởi việc ly hôn của bố mẹ. Tác động đến tận khi trưởng thành. Một số người sợ cuộc sống hôn nhân. Một số người sau này thú thật họ mất niềm tin và muốn tự sát. Một số khác thì đứng hẳn về một bên, thường là mẹ, không liên hệ gì với bố chúng.
Quan điểm của chúng tôi sau nhiều năm hành nghề luôn là: Nếu kết hôn là việc mà hai người tính toán kỹ thì ly hôn cũng phải vậy. Người có ý định ly hôn nên suy xét vấn đề trên cả ba hướng: Tình cảm – tài sản – con cái. Tòa sẽ xem xét mục đích hôn nhân có đạt được không để tuyên ly hôn. Mà mục đích hôn nhân thì nhiều: Vì tiền, vì tình, vì con cái, vì địa vị xã hội, vì thăng tiến sự nghiệp…Chẳng hạn khi không còn tình cảm, nhưng vì con cái, người ta vấn quyết định chung sống.
Vài chia sẻ để người định ly hôn thử áp dụng tránh tác động nhiều đến con cái họ:
1.Nếu hai người thường xuyên cãi vã, hay đó là cuộc hôn nhân bạo hành, ly hôn là cần thiết tránh cho chúng phải chứng kiến.
2.Hai người nên nói chuyện trước khi ly hôn, về các vấn đề tình cảm, tài sản, con cái. Nỗ lực đạt được đồng thuận ly hôn. Ghi những thỏa thuận của mình thành văn bản.
3.Dù đồng thuận hay không, nói cho con cái việc mình ly hôn, những thay đổi có thể xảy ra trong đời sống của chúng. Nói vào thời điểm thích hợp, có lẽ vào lúc tòa thụ lý đơn ly hôn. Yêu cầu chúng trợ giúp bằng cách nỗ lực hơn, tự giác hơn, thích nghi và hứa không để ảnh hưởng tới việc học hành, sinh hoạt của chúng.
4.Ví dụ bạn có hai đứa con, nỗ lực tránh việc giành quyền nuôi con tại tòa án để cuối cùng mỗi người được nuôi một đứa. Hãy để cả hai cho một người nuôi, hoặc thỏa thuận từng người nuôi cả hai trong một khoảng thời gian.
5.Nếu con bạn buộc phải lựa chọn ai trong hai người và phải trình bày việc này với tòa, bạn nên tránh các tác động trực tiếp ảnh hưởng tới sự lựa chọn của con bạn, kiểu nói xấu người kia, đe dọa con bạn... Để con bạn tự do lựa chọn. Hướng đến sự lựa chọn kiểu sống với một người, nhưng đề nghị người kia thường xuyên thăm nuôi, chăm sóc.
6.Nếu có thể, bạn cần một chương trình học tập mới, sinh hoạt mới cho con bạn, thày cô giáo mới hoặc thày cô được trao đổi về việc dạy dỗ quan tâm tới tình trạng con bạn khi bố mẹ chúng ly hôn, hoặc thậm chí trợ giúp của chuyên gia tâm lý...
Share :