HÔN NHÂN:LÀM GÌ ĐỂ CON KHÔNG BỊ NGƯỢC ĐÃI?
HÔN NHÂN:LÀM GÌ ĐỂ CON KHÔNG BỊ NGƯỢC ĐÃI?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Kiện giành quyền nuôi con là cách cứu trẻ sau ly hôn khỏi bạo hành
Các vụ bạo hành gần đây, nào mẹ ghẻ đánh chết con chồng, nào người tình của mẹ bắn đinh vào đầu con riêng nhân tình… khiến người ta đặt câu hỏi: Bố hay mẹ đứa trẻ đã ly dị sao vẫn để con trong tay người kia, dẫn đến kết cục đó?
Theo Luật Hôn nhân Gia đình, ai nuôi con tùy vào việc người đó có phù hợp với sự phát triển của con không. Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có thể kiện đòi con. Việc này không bị hạn chế số lần hay thời hạn. Giả sử anh A và cô B ly dị, tòa tuyên A có quyền nuôi con. Sau đó B thấy con không được chăm sóc tốt nên kiện ra tòa và giành được quyền nuôi con. Sau một tháng kể từ khi con về với A, B lại phát hiện bạn trai A đối xử không tốt với con và lại kiện đòi. Tòa vẫn phải giải quyết. Khác với tình cảm và tài sản, có án là xong, nuôi con là cái có thể kiện đi kiện lại.
Cũng Luật Hôn nhân Gia đình, con dưới 36 tháng tuổi nghiễm nhiên thuộc về mẹ. Giả sử hai người thỏa thuận bố nuôi dưỡng con dưới 36 tháng tuổi, giống trường hợp Nhật Kim Anh, sau đó mẹ đòi thì cơ hội thắng thuộc người nữ là lớn. Người chồng phải nỗ lực chứng minh mẹ đứa trẻ không đủ điều kiện nuôi. Tất nhiên đòi con như vậy khá ít.
Nếu tranh chấp con từ 9 tuổi trở lên, tòa phải hỏi ý kiến đứa trẻ muốn sống với ai. Ý muốn đứa trẻ cũng chỉ là một phần để tòa xem xét. Người đòi con phải chứng minh mình phù hợp nhất để nuôi đứa trẻ. Họ phải thu thập chứng cứ cho thấy con họ đang trong tình trạng không tốt, họ có đủ điều kiện kinh tế, có nỗ lực thực sự để thay đổi tình trạng đó, khiến con họ tốt lên.
Trong quá trình giải quyết tranh chấp quyền nuôi con, luật cho phép một bên có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, giao con cho người có khả năng trong hai người nếu thấy đứa trẻ bị ngược đãi.
Một số chia sẻ cho các cặp vợ chồng ly hôn mà không giành được quyền nuôi con và không muốn đứa trẻ trong điều kiện xấu:
1.Khi đứa trẻ được xác định do người kia nuôi dưỡng, hãy luôn chuẩn bị các điều kiện kinh tế, học tập, nuôi dưỡng … để đón đứa trẻ về.
2.Khi tiến hành ly hôn, đề xuất chương trình thăm nuôi rõ ràng. Thể hiện dưới dạng văn bản có chữ ký của vợ chồng. Thực hiện thăm nuôi đều đặn.
3.Khi xuất hiện những bất thường: Nghi đứa trẻ bị bạc đãi, người có quyền nuôi dưỡng chuẩn bị lập gia đình, có nhân tình, đi làm ăn xa, đứa trẻ sa sút học tập… hãy kiện ra tòa giành lấy quyền nuôi dưỡng.
4.Khi ly hôn hoặc kiện thay đổi người nuôi dưỡng, hãy yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là tạm thời trao quyền nuôi dưỡng đứa trẻ cho mình.
5.Khi giành được quyền nuôi dưỡng, yêu cầu đối phương tiếp tục cấp dưỡng.
Share :