HÔN NHÂN:GIÀNH LỢI THẾ KHI YÊU CẦU BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI KHI LY HÔN

HÔN NHÂN:GIÀNH LỢI THẾ KHI YÊU CẦU BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI KHI LY HÔN
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp có thể được áp dụng khi ly hôn
    Biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp có thể được áp dụng khi ly hôn
          Các biện pháp khẩn cấp tạm thời là thứ được áp dụng khi giải quyết một vụ án dân sự. Các biện pháp này được mô tả trong Bộ luật Tố tụng Dân sự. Khi nhờ tòa giải quyết tranh chấp, các bên có thể yêu cầu áp dụng các biện pháp này để giải quyết một yêu cầu cấp bách nào đó của mình; để bảo vệ tính mạng – sức khỏe – tài sản; thu thập chứng cứ; bảo vệ chứng cứ; bảo vệ tình trạng hiện tại tránh tình trạng không thể khắc phục được; bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án.
          Trong một vụ ly hôn, do có thể có tranh chấp về con cái, tài sản ( kể cả tranh chấp tình cảm ), một bên có quyền yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giống khi giải quyết vụ án dân sự. Trong vụ ly hôn, có thể có một số biện pháp khẩn cấp tạm thời mà một bên có thể chọn yêu cầu tòa: 1-Giao con chưa thành niên cho mình chăm sóc; 2-Buộc người kia đưa trước một số tiền nuôi con; 3-Kê biên tài sản đòi chia; 4-Cấm dịch chuyển tài sản đòi chia; 5-Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đòi chia; 6-Cho bán các hàng hóa, sản phẩm, hoa màu; 7-Phong tỏa tài khoản ngân hàng, tiền đang gửi tại ngân hàng; 8-Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; 9-Cấm, hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định; 10-Cấm đối phương, người thứ ba xuất cảnh; 11-Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình; 12-Các biện pháp khác do luật định.
          Phải nói thẳng, cá nhân người viết chưa thấy vụ ly hôn nào các bên yêu cầu áp dụng biện pháp nói trên. Nhiều vụ ly hôn rất nên áp dụng các biện pháp đó. Ví dụ như giao con chưa thành niên cho mình chăm sóc có thể áp dụng trong hầu khắp các vụ giành quyền nuôi con. Tương tự như vậy là việc buộc người kia đưa trước tiền nuôi con. Nếu đòi chia tài sản chung, vợ chồng có thể yêu cầu kê biên tài sản đòi chia nếu có đủ số tiền tương đương tài sản đó đóng thế vào ngân hàng. Nếu không, việc yêu cầu cấm dịch chuyển tài sản đòi chia, ví dụ không được tiếp tục sử dụng cái ô tô, cũng có thể được áp dụng. Rồi cấm chuyển tên tài sản, cấm bán, yêu cầu tòa không cho phép rút tiền gửi tại các ngân hàng, cấm xuất cảnh áp dụng cho hôn nhân với người nước ngoài, tách người chồng bạo lực khỏi vợ con…
          Các biện pháp ngăn chặn trong vụ ly hôn không chỉ nhằm đạt các mục đích mà luật mô tả. Nhiều khi mục đích này là xa vời và trừu tượng. Một bên yêu cầu áp dụng biện pháp ngăn chặn có thể gây áp lực đáng kể cho bên kia, từ đó tạo vị thế thuận lợi để đưa ra một giải pháp thỏa hiệp. Ví dụ yêu cầu cấm dùng nhà làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng có thể đẩy nhanh thỏa thuận chia nhà.
          Các lưu ý khi một bên sử dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi ly hôn:
1/Nên hiểu các quy định về biện pháp khẩn cấp tạm thời. Luật sư trợ giúp bạn khi ly hôn nên nhìn rộng hơn các quy định trong Luật Hôn nhân Gia đình về ly hôn, tư vấn để bạn yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp.
2/Nếu bạn là nạn nhân bạo lực gia đình, yêu cầu áp dụng biện pháp cấm kẻ sử dụng bạo lực tiếp xúc với bạn. Sau khi yêu cầu như vậy, bạn có thể tự chấm dứt cuộc sống chung với kẻ sử dụng bạo lực mà không sợ việc mất vị thế pháp lý trong vụ ly hôn.
3/Nếu bạn muốn giành quyền nuôi con, bạn nên yêu cầu áp dụng biện pháp giao con chưa thành niên cho bạn nuôi, đồng thời yêu cầu người kia phải đưa trước một số tiền cấp dưỡng.
4/Nếu bạn muốn chia tài sản chung trong thời ky hôn nhân, hãy yêu cầu các biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản doanh nghiệp, cấm chuyển dịch nhà cửa, máy móc, xe cộ…
5/Nên nhớ cùng với việc yêu cầu biện pháp khẩn cấp tạm thời, bạn phải chứng minh là biện pháp đó cần thiết trong tình huống của bạn. Bạn cần có văn bản giải trình biện pháp được yêu cầu áp dụng và tại sao lại là nó. Luật sư của bạn sẽ giúp đỡ bạn việc này.