HÔN NHÂN: CÂU HỎI GIẢI QUYẾT BẾ TẮC KHI LY HÔN

HÔN NHÂN: CÂU HỎI GIẢI QUYẾT BẾ TẮC KHI LY HÔN
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
Đặt ra và trả lời câu hỏi phù hợp là cách vượt qua vụ ly hôn
Đặt ra và trả lời câu hỏi phù hợp là cách vượt qua vụ ly hôn
Hiện tại, tỉ lệ ly hôn/kết hôn trong 05 năm đầu là đáng kể, khoảng 1/3 tại các thành phố như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Đây là thực tế và người trong cuộc nên biết cách đối mặt và vượt qua tình thế ly hôn. Nên coi ly hôn là cơ hội khởi đầu mới. Một số trường hợp người viết chứng kiến, sau khi ly hôn cả hai vẫn chung sống như chưa xảy ra chuyện gì, hoặc lần lữa khi ly hôn, nộp đơn ra tòa rồi lại rút đơn hòa giải, luẩn quẩn 10 năm. Như vậy chẳng có khởi đầu nào.
Tình trạng trên do người trong cuộc không nhận ra tình thế, trong đó có tình thế pháp lý của mình. Khi nhận ra, họ không xác định rõ cách giải quyết. Khi giải quyết, họ không làm đến nơi đến chốn.
Để biết mình đang ở đâu và cần đi đến đâu, khi ly hôn, người trong cuộc nên tự hỏi và trả lời một số câu chính. Nếu không, tại tòa, thẩm phán cũng hỏi và lái việc theo ý họ. Ví dụ: Một người cảm thấy khó có thể tha thứ cho người kia vì ngoại tình. Câu hỏi người đó nên tự hỏi: Tình trạng hôn nhân của họ thực sự trầm trọng chưa? Nếu vì tự ái mà đâm đơn, thẩm phán dễ dàng biết tình trạng hôn nhân chưa trầm trọng. Họ lái bằng cách ngâm việc lâu hơn một chút. Thời gian đủ để chỉ ra hai người vẫn có thể sống chung.
Nếu chắc chắn ly hôn là sự giải phóng, câu hỏi nên tự hỏi là: Có thể ra đi với cái gì trong tay không? Nó đáng bao nhiêu tiền? Làm sao có nó? Những câu này thường không được người ly hôn đặt ra, hoặc có thì cũng không được trả lời tới nơi tới chốn.
Con cái cũng có thể là vấn đề với người ly hôn. Họ thường muốn giành toàn quyền nuôi con. Tuy vậy, không mấy người trả lời đầy đủ câu hỏi: Làm sao có thể nuôi được lũ trẻ? Đa số muốn tòa án buộc người kia chia sẻ gánh nặng hàng tháng. Giả định tòa tuyên như vậy, đến khi thi hành án, việc buộc một người trả tiền đều đặn thường trở nên không thể.
Tóm lại, khi tính chuyện ly hôn, người trong cuộc nên tự trả lời một số câu hỏi:
1.Mục đích hôn nhân của họ là gì? Mục đích có thể được xác định trước khi kết hôn, hoặc nhận ra sau khi kết hôn. Nó có thể là tình cảm: Quan tâm, chăm sóc nhau. Nó cũng có thể là tiền bạc: Một chỗ dựa về kinh tế san sẻ chi phí cuộc sống đắt đỏ. Nó cũng có thể là sinh con đẻ cái.v.v...
2.Mục đích đó có đạt được không? Có nên vì mục đích này duy trì hôn nhân, chấp nhận hi sinh thứ khác không?
3.Có sự xuất hiện người thứ ba dẫn tới hôn nhân tan vỡ không? Cách chứng minh sự xuất hiện đó?
4.Tài sản chung có trong thời kỳ hôn nhân là gì? Họ đóng góp chủ yếu để có tài sản đó không? Tài sản có thể phân chia không? Nếu phân chia thì phần mỗi người? Cách nào để nhận được phần của mình?
5.Họ có trong tay giấy tờ về sở hữu, nguồn gốc tài sản không?
6.Việc nuôi con chung như thế nào? Nếu giao con chung cho một người, người kia sẽ cấp dưỡng bao nhiêu? Cấp dưỡng một lần, một vài lần, hay hàng tháng? Đảm bảo quyền thăm nuôi thế nào? Tình huống nào dẫn đến thay đổi quyền nuôi con?
7.Có thể trao đổi với đối phương về thỏa thuận ly hôn không? Ghi ra giấy thỏa thuận đó thế nào?
Nhìn chung, người ly hôn nên có một luật sư để đặt ra, trả lời các câu hỏi liên quan. Việc trả lời câu hỏi chi tiết không quá dễ dàng. Một số trường hợp để ly hôn thành công, người trong cuộc phải chuẩn bị cả năm. Vì vậy, các dịch vụ ly hôn nhanh chóng có thể không cần thiết.