HÔN NHÂN: CÁCH XÁC ĐỊNH TIỀN CẤP DƯỠNG NUÔI CON THẾ NÀO

HÔN NHÂN: CÁCH XÁC ĐỊNH TIỀN CẤP DƯỠNG NUÔI CON THẾ NÀO
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Không yêu cầu cảm tính một con số cấp dưỡng nuôi con hàng tháng
    Không yêu cầu cảm tính một con số cấp dưỡng nuôi con hàng tháng
          Trong mẫu đơn ly hôn bán sẵn, thường là 5000 đ một tờ, người ta thấy có nội dung: Yêu cầu nuôi con thế nào? và: Yêu cầu trợ cấp tiền nuôi con bao nhiêu? Câu trả lời thường là, ví dụ: Nuôi cả hai con và trợ cấp 3 000 000 đ/tháng mỗi con. Bản án của tòa cũng tuyên kiểu này. Tòa ấn định một mức trợ cấp hàng tháng căn cứ vào khả năng của bên chi trả, 3 triệu, 5 triệu. Án không nói ngày trả, cách trả, không xác định tại sao lại chừng đó tiền…
          Án tuyên vậy là dễ hiểu. Luật định khi ly hôn, giao con cho ai nuôi phải căn cứ vào lợi ích mọi mặt của con. Người không nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng. Kiểu gì thì tòa cũng phải ấn định một con số, sau khi đã làm việc với cả hai vợ chồng. Lấy lý mà nói, con số phải căn cứ vào một đống dữ kiện: thu nhập vợ chồng, chi phí sinh hoạt, học tập của đứa trẻ, khả năng đáp ứng, khẳ năng cải thiện thu nhập… Tuy vậy, trong nhiều vụ án hôn nhân, không chắc người ta suy tính nhiều như vậy. Họ thường chọn lấy một con số nghe có vẻ được. Một lựa chọn cảm tính.
          Việc chọn một con số như vậy chỉ giúp tòa hoàn thành chỉ tiêu giải quyết án. Đối với người ly hôn và giành được quyền nuôi con, nó không có ích gì. Con số mà bản án xác định thường quá thấp, không đủ cho việc sinh hoạt, học tập của một đứa trẻ. Hoặc giả đầu tiên có thể đủ, nhưng sau vài năm với vài đợt tăng giá, khoản trợ cấp bị bào mòn đáng kể. Rồi làm sao có số tiền đó cũng là cả vấn đề…
          Thực tế số tiền để nuôi dạy một đứa trẻ thường gồm:
1.Tiền học, gồm học chính, học thêm, sinh hoạt ở các lớp năng khiếu: âm nhạc, hội họa, võ thuật…
2.Tiền ăn ngày ba bữa.
3.Tiền quần áo, giày dép.
          Trong điều kiện không ly hôn, đứa trẻ có đủ bố mẹ bên cạnh, khoản tiền này được chi đều đặn không tính toán. Khi ly hôn, đáng ra nó nên được tính toán chi ly. Tuy nhiên, có thể người trong cuộc ngại các con số, hoặc không được hướng dẫn cụ thể làm gì trước tòa, nên thường các cặp vợ chồng không xác định được con mình cần cụ thể bao nhiêu một tháng. Các con số triệu rưỡi, 3 triệu, 5 triệu… gì gì đó thực ra chỉ là giải pháp tình thế, có thể chẳng dựa trên tính toán nào cả. Ngồi trước mặt thẩm phán, bạn phải đưa ra một con số, và một trong số đó được chọn.
          Cách trả lời câu hỏi yêu cầu người kia trợ cấp nuôi con là bao nhiêu không nên bằng cách đưa ra một con số áng chừng. Người trong cuộc cũng nên hiểu: Đưa con số không quan trọng bằng nhận được số tiền. Việc đưa con số cần dựa trên các tính toán: Nhu cầu con bạn; khả năng chi trả bên kia. Khả năng chi trả bên kia lại gồm thu nhập của chính họ ( hiện tại tương lai ), các khoản tài trợ, vay mượn ( từ bố mẹ, anh chị em, bạn bè… ). Bạn cũng nên hiểu: Mỗi năm tiền một mất giá, mà việc nuôi dạy một đứa trẻ phải kéo dài chí ít đến năm 18 tuổi.
          Một số lưu ý khi bạn đưa ra yêu cầu trợ cấp nuôi con:
1/Xác định tiền học, học thêm, ăn, mặc, đi lại, các khoản chi đột xuất có thể có ( V.d chi phí nếu con bạn ốm đau ). Trước tiên hãy tính ở mức hiện tại. Nên lưu ý tới mức trượt giá ( thử tìm hiểu chỉ số giá tiêu dùng trong ba năm gần nhất để có mức trượt giá chung ). Nếu mức trượt giá là 8%/năm, bạn nên tăng dần mức trợ cấp theo mức trượt giá đến năm con bạn 18 tuổi. Ví dụ năm nay tiền ăn học nuôi dạy con là 100K, năm sau mức này là 108K.
2/Hai vợ chồng nên vận động tài trợ nuôi con. Tài trợ được hiểu là tiền bố mẹ hai bên cho các cháu, hoặc các khoản tiền mà hai vợ chồng có thể vay phục vụ việc này.
3/Tiền trợ cấp nuôi con được xác định bằng công thức tính cụ thể, gồm các khoản tiền học + ăn + học thêm + mặc + đi lại nhân có tính tới mức trượt giá và cộng với khoản tài trợ nhận được.
4/Thay vì đưa ra con số cảm tính, kiểu 3 triệu, 5 triệu, hãy yêu cầu tòa ghi nhận công thức tính trợ cấp nuôi con. Ghi nhận luôn việc tài trợ và thỏa thuận sự dụng khoản tài trợ nếu có. Bạn có thể đưa ra con số cụ thể, nhưng con số phải dựa trên công thức tính.
          Tóm lại, đừng đưa ra con số cảm tính: triệu rưỡi, ba triệu, năm triệu. Đưa ra công thức tính. Con số dựa trên công thức này.