HÔN NHÂN: CÁCH THỎA THUẬN NUÔI CON TRÁNH TRANH CHẤP TÀI SẢN KHI LY HÔN.
HÔN NHÂN: CÁCH THỎA THUẬN NUÔI CON TRÁNH TRANH CHẤP TÀI SẢN KHI LY HÔN.
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Hoàn toàn có thể thỏa thuận về việc giành tiền nuôi con để tránh tranh chấp tài sản khi ly hôn
Để vượt qua cuộc chiến, bạn nên có chuẩn bị. Nên hiểu tài sản vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân sẽ được đem ra xem xét. Tài sản này gồm tài sản chung và tài sản riêng vợ chồng có được trong hôn nhân.
Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng, thu nhập khác trong thời kỳ hôn nhân... tài sản vợ chồng được thừa kế chung, tặng cho chung, tài sản vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Điều 43 quy định về tài sản riêng của vợ chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong hôn nhân, tài sản được chia riêng cho vợ, chồng, tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác.
Điều 59 quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn: Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
Quy định rõ ràng là vậy. Nhưng áp dụng chia tài sản vợ chồng khi ly hôn thật khó. Bạn thiếu thỏa thuận với vợ, chồng bạn về tài sản. Bạn thiếu việc theo dõi, ghi chép, tính toán phần tài sản của từng người. Rồi thì tài sản đứng tên một người, Sổ Đỏ đặt ở ngân hàng, không có giấy tờ nhà đất trong tay...Những điều làm cho việc chứng minh sự tồn tại của tài sản không dễ, đừng nói đến việc phân chia cho công bằng. Bạn lấy tạm ứng án phí ở đâu đóng cho tòa? Ngay cả khi bạn có một bản án thuận lợi, đến khi nào bạn có tiền?
Mọi việc sẽ tốt đẹp hơn nếu bạn nhìn mọi việc theo hướng khác. Bạn nên nỗ lực tránh cuộc chiến tài sản tại tòa. Bạn vẫn có thể có tài sản theo nghĩa là được sử dụng chúng theo cách mà chính bạn cũng muốn vậy ( một người nữa muốn vậy là vợ, chồng bạn ). Trong một bài viết, chúng tôi đề cập cách vợ chồng lập thỏa thuận phân chia tài sản khi ly hôn. Chúng tôi nhớ là đã khuyên các cặp vợ, chồng ly hôn hãy: 1.Tìm tài sản nào dễ chia để chia trước. 2. Với tài sản khó chia, như quyền thuê một mặt bằng, quyền điều hành một doanh nghiệp...hãy nghĩ đến phương án giao hết cho người kia, mình thì lấy tiền. 3. Hình thành một quỹ cho con cái. 4. Tìm cách chia cả các món nợ.
Đây thực sự là lời khuyên chung. Còn thì mỗi nhà mỗi cảnh. Trong nhiều trường hợp, không dễ chia các tài sản. Ví dụ vợ ở nhà nuôi con, chồng đi làm, hai người được bố mẹ chồng cho đất, nhưng lại đứng tên cá nhân người chồng, rồi họ mở nhà hàng, vợ phát hiện chồng có người thứ ba. Hoặc vợ chồng cùng đi làm, nhưng chồng là sếp lớn của một công ty xây dựng, hai người có một số tài sản, đều đứng tên công ty, công ty được quyền khai thác nhiều bất động sản, sau thì người chồng cũng có người thứ ba. Với hai trường hợp này, việc vợ có được tài sản không dễ.
Cách tốt nhất cho những trường hợp chia tài sản không dễ, đó là vợ chồng thỏa thuận việc nuôi con. Nên hình thành quỹ chung. Vợ chồng thỏa thuận việc chi tiêu quỹ chung vì lợi ích con họ. Việc chi tiêu nên được tổng hợp, công khai, có giải thích cho bên kia biết. Việc hình thành quỹ chung thực sự nhiều tác dụng. Như hai trường hợp kể trên, người chồng có lợi thế khi ly hôn vì không mất tài sản: Nhà đất, nhà hàng, công ty ... vẫn là của họ. Người vợ do hình thành quỹ chung và là người giữ quỹ ( và thực tế nuôi con ), nên có sự tự do tài chính nhất định. Cũng là sự an ủi với người vợ. Người thứ ba do được xác định lấy anh chồng, nên cũng “ hỗ trợ “ nuôi con riêng của chồng, coi như khoản tiền trả cho vợ cũ anh ta để có được cuộc sống mới.
Như vậy, vấn đề con cái có thể được vận dụng để giải quyết vấn đề tài sản, vừa tránh được cuộc chiến chia tài sản, nhiều khi vô nghĩa tại tòa, vừa thực tế đem lại tài sản cho một bên, tránh cho bên còn lại nổi niềm cay đắng khi phải chia tài sản.
Chúng tôi xin nhắc lại phần đã chia sẻ trước đây về cách lập và thực hiện thỏa thuận nuôi con, có thay đổi để áp dụng cho trường hợp khó chia tài sản:
1.Xác định hướng nuôi dạy con cái, ví dụ tài trợ tiền học, tiền ăn, sinh hoạt… cho con cái đến năm bao nhiêu tuổi. Nên coi đây như hướng chung, sự thống nhất bước đầu giữa hai người về nuôi dạy con cái.
2.Xác định một quỹ chung với số tiền cụ thể, rồi cách quản lý quỹ như mở một tài khoản cá nhân tại ngân hàng, gửi tiền vào đó, xác định nguyên tắc quản lý quỹ: ai đóng góp, ai rút, điều kiện rút, quản lý việc chi tiêu từ quỹ, chi tiêu vì mục đích gì…
3.Không nhất thiết có tiền mới nghĩ đến thỏa thuận nuôi dạy con cái, hình thành quỹ chung… Kể cả không có tiền, việc thỏa thuận cũng luôn cần thiết, coi như khi có tiền sẽ thực hiện.
4.Xem lại thỏa thuận, cùng đánh giá lại và nếu cần thì bổ sung, thay đổi sau mỗi khoảng thời gian, tốt nhất là từng năm.
Share :