HÔN NHÂN: CÁCH THỎA THUẬN NUÔI CON KHI LY HÔN TRÁNH CON CÁI BỊ BẠO HÀNH

HÔN NHÂN: CÁCH THỎA THUẬN NUÔI CON KHI LY HÔN TRÁNH CON CÁI BỊ BẠO HÀNH
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Thỏa thuận nuôi con là cách tránh trẻ em bị bạo hành sau ly hôn
Thỏa thuận nuôi con là cách tránh trẻ em bị bạo hành sau ly hôn
     Gần đây xảy ra những vụ bạo hành trẻ em là con những cặp vợ chồng ly hôn. Phần nào đó do chính người bố hay mẹ không theo dõi đứa trẻ sau khi đứa trẻ được giao cho người kia. Luật Hôn nhân Gia đình quy định: Bố mẹ đã ly dị có quyền thăm gặp con mà không bị cản trở; có quyền xin thay đổi người nuôi con nếu thấy cần thiết. Qui định này quá chung chung. Khi xử ly hôn, tòa không tuyên người không được nuôi dưỡng đứa trẻ được gặp con mấy lần trong tuần, tại đâu… Vợ chồng ly hôn cũng không có thói quen thỏa thuận, lập thành văn bản việc nuôi dưỡng. Các luật sư thiếu hướng dẫn cần thiết khiến người trong cuộc không biết cách xoay xở.
     Thỏa thuận, gồm cả thỏa thuận nuôi con là cái mà thẩm phán thường hỏi vợ chồng ( Anh chị có thỏa thuận gì về tài sản hay con cái không? ). Như vậy, đây là điều cần thiết mà vợ chồng nên làm khi ly hôn. Thực tế là các tòa án chưa thụ lý các vụ yêu cầu công nhận thỏa thuận ngoài tòa án. Điều này có các lý do như: Tòa quá nhiều việc, chưa được hướng dẫn, người dân chưa quen…. Tương lai, tòa sẽ phải đóng con dấu lên các thỏa thuận nếu các bên yêu cầu. Điều này làm các thỏa thuận có tính ràng buộc hơn. Nhưng ngay cả bây giờ, nếu biết cách lập thỏa thuận thì vẫn có thể ràng buộc. Lẽ nhiên, bạn mất thời gian một chút.
     Một thỏa thuận về con cái khi ly hôn nên có những gì? Vài chia sẻ:
1.Xác định người nuôi con: Bạn xác định: Bạn hay đối phương nuôi con. Nếu có từ hai con trở lên, hãy xác định ai nuôi con nào. Hoàn toàn được nếu xác định mỗi người nuôi một thời gian.
2.Xác định người kia cấp dưỡng ra sao. Việc cấp dưỡng đặt ra cho đến khi con bạn đủ 18 tuổi. Có thể thỏa thuận cấp dưỡng theo tháng, cấp dưỡng một lần hoặc một số lần.
3.Xác định việc thăm nuôi của người kia. Có thể xác định ngày thăm nuôi trong tuần, tháng; số giờ mỗi lần; địa điểm… Xác định nghĩa vụ người nuôi dưỡng phải tạo điều kiện thăm nuôi.
4.Xác định điều kiện thay đổi người nuôi dưỡng. Có thể thỏa thuận về điều kiện thay đổi người nuôi dưỡng, như bên được nuôi dưỡng con không còn đủ điều kiện kinh tế, việc thăm nuôi bị cản trở, hoặc xuất hiện các tình huống như bên được nuôi dưỡng lập gia đình, chuyển chỗ ở…
5.Các thỏa thuận khác có thể có liên quan tới việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.