-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Ly thân, bước kiểm tra nên ly hôn không, cũng cần thỏa thuận
Những người tính chuyện ly hôn được khuyên rằng nên thận trọng. Tránh tình trạng cảm tính, kiểu vừa mâu thuẫn đã vội đến tòa mua đơn. Nếu kết hôn là cái khiến người ta tính toán, thì ly hôn hẳn cần tính nhiều hơn. Giải pháp cho các vấn đề tình cảm, con cái, tài sản không dễ. Tờ đơn ly dị ảnh hưởng đến nhiều người, từ con cái, bố mẹ hai bên, chủ nợ, đối tác, có thể cả ngân hàng...Cân nhắc trước khi chốt. Cách để người ta có thêm thời gian cân nhắc là ly thân. Nó có thể kéo dài vài tháng, một năm. Người viết đã chứng kiến một cuộc ly thân kéo dài hơn 20 năm. Việc ly thân có tác dụng tốt là khiến căng thẳng không gia tăng, hai người có thời gian suy nghĩ về đời sống chung, mỗi người có thêm thời gian thu xếp công việc ngoài gia đình... Ly thân, tình trạng thực tế là hai người không cùng sống một mái nhà, tuy vẫn là vợ chồng, không được luật hóa. Người trong cuộc, vợ hay chồng, khi ly thân chỉ đơn giản xách va ly ra ngoài sống với một tờ giấy để lại. Tờ giấy này không phải là thỏa thuận của hai người. Do thiếu thỏa thuận, những tình huống phức tạp phát sinh trong khi ly thân. Đơn cử vụ ly thân kéo dài 20 năm nói trên, hai người đều có tài sản riêng sau khi ly thân, bố mẹ chia đất, người nhiều kẻ ít. Sau đó, người chồng đâm đơn ly dị. Việc chia đất vừa phức tạp, vừa khiến cả hai cảm thấy thiếu công bằng. Đúng là không có điều luật nào có hai chữ “ ly thân “. Trong khi ly thân có thể là giải pháp tốt cho nhiều cặp vợ chồng. Một quan chức chẳng hạn, ly thân là cái khiến bản lý lịch vẫn trong sạch, không ảnh hưởng quan lộ, không làm thiên hạn dị nghị. Một chủ doanh nghiệp, ly thân có thể loại trừ nguy cơ tranh chấp tài sản khiến doanh nghiệp không hoạt động bình thường. Người vợ bị chồng bạo hành, ly thân có thể là cách né đòn tốt nhất. Thực sự, vợ chồng có thể tự tạo ra “ luật ly thân “ cho chính mình. Chính là bằng cách thỏa thuận và ghi nó ra một tờ giấy. Việc này có nhiều tác dụng. Chắc chắn tốt hơn việc đùng đùng bỏ đi sau cuộc cãi vã. Có thể, tờ giấy để lại đó giải thích lý do ra đi, thời hạn quay về, đề nghị người kia suy nghĩ về đời sống chung, xác định việc chăm nuôi con cái, giải quyết công việc gia đình... Tờ giấy này là bước đầu tiên để hai người thỏa thuận ly thân. Sau khi để lại tờ giấy cho người kia, vợ chồng nên làm rõ việc ly thân. Đầu tiên nói chuyện sau thời gian thích hợp. Sau đó tốt nhất là lập thành văn tự cho việc ly thân. Rồi thì xem xét sau khi ly thân thì làm gì tiếp theo. Một số lưu ý pháp lý nếu vợ chồng lựa chọn thỏa thuận ly thân: 1.Hãy làm rõ ly thân bao lâu, việc chia sẻ gánh nặng tài chính gia đình, nuôi dạy con cái như thế nào trong thời gian ly thân. Ghi thành văn bản, email gửi cho người kia. 2.Đàm phán để có giải pháp chung khi ly thân vấn đề nợ nần, cùng điều hành doanh nghiệp, hưởng giá trị từ tài sản chung như lãi làm ăn, tiền thuê nhà...Cam kết hỗ trợ nhau khi gặp vấn đề như cùng trả nợ, điều hành doanh nghiệp, nhận bồ thường... 3.Nếu ly thân kéo dài không xác định thời hạn, nên xem xét để đạt được thỏa thuận của vợ chồng về phân chia tài sản, cùng nuôi dạy chăm sóc con cái... 4.Nỗ lực tránh những diễn biến pháp lý phức tạp khi ly thân, như mang thai hoặc có con với người khác, hùn vốn làm ăn, bán sản nghiệp khi chưa có sự phân định tài sản... Tóm lại, cuộc sống chung của vợ chồng được coi như một dạng hợp đồng và được luật điều chỉnh. Ly thân cũng có thể được coi là dạng hợp đồng và nếu có sự thỏa thuận của vợ chồng về ly thân, thì đó cũng là sự điều chỉnh mà luật phải công nhận.