HÔN NHÂN: CÁCH LẬP HỢP ĐỒNG SỐNG CHUNG VỚI CẶP GÁI VIỆT TRAI TÂY

HÔN NHÂN: CÁCH LẬP HỢP ĐỒNG SỐNG CHUNG VỚI CẶP GÁI VIỆT TRAI TÂY
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Các cặp người Việt chung sống với người nước ngoài nên có thỏa thuận
    Các cặp người Việt chung sống với người nước ngoài nên có thỏa thuận
     Việc sống thử ngày càng gia tăng. Nó tăng ở các cặp người Việt Nam, dị tính hay đồng tính. Nó cũng tăng ở các cặp một bên là Việt, bên kia nước ngoài. Dạng quan hệ này được cho là trái thuần phong mỹ tục, xa lạ với gia đình truyền thống Việt Nam. Dễ hiểu là nó không được khuyến khích. Điều đó dẫn đến việc quá ít quy định pháp luật điều chỉnh nó. Quan hệ sống thử Việt và tây càng ít ràng buộc. Một khi đổ vỡ, một hoặc các bên chịu thiệt không ít thì nhiều.
Luật hôn nhân gia đình, điều 16 có quy định có thể áp dụng trong trường hợp sống thử Việt tây. Nguyên văn:
“...
Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
...”
     Các quy định của Bộ luật Dân sự mà điều luật đề cập thì nhiều, nhưng để áp dụng trong mối quan hệ này, hẳn phải là các quy định tôn trọng sự thỏa thuận của các bên; phân chia tài sản dựa vào công sức đóng góp...
     Các cặp Việt tây sống chung không hôn thú có thể gặp phải các vấn đề y nguyên một cặp vợ chồng có hôn thú. Vấn đề đó là: 1.Tình cảm, 2.Tài sản, 3.Con. Tuy nhiên, các cặp vợ chồng có hôn thú được bảo hộ toàn diện bằng pháp luật. Các cặp Việt tây không hôn thú thì thiếu hoàn toàn. Cách hóa giải rắc rối có thể xảy ra nên là lập thỏa thuận sống chung, vận dụng tất cả các quy định pháp luật nêu trên.
     Nên hiểu thỏa thuận này gồm cả miệng và viết. Nên nói với nhau về đóng góp chi phí chung cho ăn uống, nhà cửa... Nên thỏa thuận các nguyên tắc sống chung, thời điểm và cách thức ngừng chung sống. Nếu hai người có con chung, nên thỏa thuận chi tiết hơn nữa chuyện con cái...Nếu viết được các thỏa thuận đó ra giấy là ràng buộc chắc chắn nhất. Thậm chí tòa án có thể công nhận thỏa thuận này.
     Tóm lại, với một cặp Việt tây chung sống không hôn thú, hãy nói hoặc viết ra:
1.Nguyên tắc của việc chung sống, khi nào ngừng việc chung sống.
2.Phân chia chi phí chung sống; xác định tài sản chung – riêng; cách quản lý, ăn chia với tài sản hình thành sau khi sống chung.
3.Cách nuôi dạy con chung, đảm bảo quyền nhân thân của con như quyền có tên bố - mẹ trong giấy khai sinh, phân chia chi phí nuôi dạy con chung.
4.Có hay không việc đảm bảo quyền lợi người kia khi ngừng chung sống, tạo điều kiện cho nhau có được, khai thác tốt tài sản chung, cùng nuôi dạy con cái khi ngừng chung sống.