HÔN NHÂN: 6 CÁCH ĐỂ TỰ PHÂN CHIA TÀI SẢN,KHÔNG PHẢI MẤT TIỀN
HÔN NHÂN: 6 CÁCH ĐỂ TỰ PHÂN CHIA TÀI SẢN,KHÔNG PHẢI MẤT TIỀN
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
- Thỏa thuận chia tài sản chung vợ chồng khi ly hôn là cách có tài sản nhanh nhất
Nếu không tự phân chia tài sản chung, tòa án sẽ can thiệp. Các mức mà tòa có thể chia là: 50 – 50, 60 – 40, 70 – 30… Người có đóng góp nhiều hơn vào tài sản chung sẽ được chia nhiều hơn, người có lỗi làm hôn nhân tan vỡ sẽ nhận phần ít hơn, các tài sản đem lại giá trị kinh tế sẽ không bị chia nhỏ…
Một thực tế là khi vợ chồng nhờ tòa chia tài sản chung, họ chưa nhận được món gì, nhưng để tòa mở hồ sơ, họ phải nộp khoảng 2,5% giá trị tranh chấp, gọi là tạm ứng án phí, vào ngân sách nhà nước. Kết thúc phiên tòa, người thua kiện sẽ phải trả tiền án phí cho phần mình không được chia.
Mất án phí như vậy không khác gì bỏ tiền mua lại tài sản của chính mình. Nên nhớ bạn có được chia phần nào đó thì cũng chỉ là án giấy. Có người được chia tài sản chung khi ly hôn thời trẻ, đến già vẫn không được đồng nào từ cái mà tòa tuyên của mình. Án giấy là một chuyện, nhận được gì đó lại là chuyện khác.
Bạn cần làm gì để không phải mất án phí, tức là mua lại chính tài sản của mình? Quan trọng hơn, bạn cần làm gì để mau chóng có được cái của bạn? Câu trả lời: Nỗ lực thỏa thuận chia tài sản chung!
Lẽ nhiên, trong tình thế ly hôn, cứ ngồi xuống là cãi nhau, việc này không dễ dàng. Vậy nên, làm thế nào để thỏa thuận chia tài sản vợ chồng thành công là cả vấn đề. Một số chia sẻ để việc thỏa thuận chia tài sản diễn ra tốt đẹp:
1/Xác định danh sách những thứ cần chia. Bắt đầu chia những thứ dễ chia trước. Thứ khó chia như nhà đất đang thế chấp ngân hàng, lợi ích từ việc khai thác tài sản… thì để lại dần dần tìm tiếng nói chung.
2/Không nhất thiết phải chia kiểu 50 – 50. Nên tự xác định sự đóng góp của mình trong khối tài sản chung. Nhượng bộ với mục tiêu là có trong tay tiền, tài sản, đất đai… càng nhanh càng tốt.
3/Đảm bảo tính vẹn toàn và khả năng sinh lời của tài sản. Hai người đang có một quán cà phê kinh doanh tốt chẳng hạn, chẳng cần chia thành hai quán. Tạo điều kiện người kia giữ trọn vẹn tài sản, người còn lại lấy tiền. Có thể lấy thành nhiều đợt.
4/Tại sao không tự coi mình như người góp vốn? Như vậy nên thỏa thuận cách thức khai thác tài sản, công khai thu chi, cách tính lời, ăn chia tiền lời…
5/Nên có trung gian thỏa thuận, một luật sư chẳng hạn. Luật sư sẽ có cách đặt vấn đề thỏa đáng với đối phương, đưa mọi cái vào sự lý tính. Nhất định ghi nhận thỏa thuận tài sản bằng văn bản.
6/Chia công bằng gồm cả chia trách nhiệm, với các khoản nợ hay bồi thường chẳng hạn. Thỏa thuận trên giấy không nghĩa lý gì. Hai người nên thống nhất cả lộ trình thực thi, có cam kết cùng người kia khai thác tốt nhất tài sản, hỗ trợ người kia khi làm giấy tờ tài sản.
Share :