HÔN NHÂN:5 CÁCH LY HÔN NGƯỜI BỊ GIAM

HÔN NHÂN:5 CÁCH LY HÔN NGƯỜI BỊ GIAM
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Ly hôn với người bị giam khó nhưng vẫn làm được
    Ly hôn với người bị giam khó nhưng vẫn làm được
          Người bị hạn chế tự do sau song sắt thật bất hạnh. Bất hạnh hơn nữa là việc vợ/chồng anh ta/chị ta yêu cầu ly hôn. Tuy vậy, đó có thể là cách để hai người, người trong kẻ ngoài, nhìn vào sự thật, giải phóng người kia và giải phóng chính mình. Trong vụ ly hôn, thẩm phán thường phải xem cuộc sống chung có thể kéo dài không? mục đích hôn nhân có đạt được không? Nếu hôn nhân phải có chung sống để đạt được cái đích là chăm sóc nhau, chăm sóc con cái, bố mẹ hai bên thì e rằng người trong tù không làm được việc đó. Và thực sự, với cuộc sống sau chấn song sắt, cơm đúng giờ, ngủ đúng giấc, người trong tù không thể nhận được sự chăm sóc của vợ/chồng mình.
         Các tòa án đều nhận được các yêu cầu ly hôn với người trong trại giam. Giải quyết việc này khó khăn, tốn kém và mất thời gian hơn so với các vụ ly hôn khác. Thẩm phán sẽ phải vào trong trại giam, gặp và hỏi người bị ly hôn. Khi cảm thấy phạm nhân chấp nhận ly hôn với vợ/chồng mình bên ngoài, đồng thời không vướng mắc gì việc nuôi con, chia tài sản, thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn. Cơ bản việc này không phải ra tòa.
         Giả dụ phạm nhân không chịu ly hôn với vợ/chồng mình thì sao? Tình huống này rắc rối nhưng không phải không thể gỡ. Mọi quyết định thuộc về thẩm phán. Tất nhiên, quyết định của thẩm phán phải “ mịn “ về luật pháp. Nghĩa là nếu bản án có bị chống án, tòa cấp trên có xử phúc thẩm, hay thậm chí là xử giám đốc thẩm, thì bản án, quyết định của thẩm phán cũng không thể bị hủy. Cũng nghĩa là bản án này phải xem xét thấu đáo căn cứ ly hôn – không tồn tại cuộc sống chung trong một thời gian, mục đích chăm sóc nhau, nuôi dạy con … không đạt được. Việc thu thập chứng cứ, lấy các lời khai cũng phải khách quan, đầy đủ.
         Tóm lại, trong trường hợp muốn ly hôn với người bị giam, vợ/chồng nên làm:
1/Gặp gỡ, thuyết phục, hướng dẫn người đó cách ly hôn đồng thuận trong điều kiện bị giam.
2/Hoàn toàn nên lập một văn bản thỏa thuận chia tài sản trong hôn nhân, xác định quyền nuôi con giữa người bị giam và người bên ngoài.
3/Nói rõ tình hình và đề nghị thẩm phán giúp đỡ.
4/Chắc chắn việc đi lại của thẩm phán là tốn kém. Chuẩn bị sẵn quỹ để hỗ trợ giải quyết vụ án.
5/Để đạt mục tiêu ly hôn với người đang bị giam, nên gạt bỏ các vấn đề khác liên quan đến người bị giam. Để sang bên các vấn đề chia tài sản, giành quyền nuôi con nếu có. Phô – tô các chứng cứ liên quan tới tài sản chung, lập một văn bản mô tả tài sản chung này là gì, niêm phong, ngừng giao dịch một số tài sản tạo điều kiện cho bên kia giải quyết thuận tình đạt lý.