HÔN NHÂN: 5 CÁCH GIẢI QUYẾT KIỆN CÁO SAU HÔN NHÂN
HÔN NHÂN: 5 CÁCH GIẢI QUYẾT KIỆN CÁO SAU HÔN NHÂN
- Bài viết của Luật sư Lê vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Nên có luật sư đồng hành lâu dài cho các vụ tranh chấp hậu hôn nhân
Tuy vậy, quá khứ vẫn quay trở lại, dù bạn không muốn. Dưới dạng những vấn đề chưa được giải quyết trong vụ li hôn.
Trong một vụ ly hôn, người ly hôn phải giải quyết 03 vấn đề: Tình cảm – Tài sản – Con cái. Hiện tại, số vụ ly hôn của người trẻ gia tăng. Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, tỉ lệ ly hôn là khoảng 30% trong 05 năm đầu chung sống. Trong các gia đình này, cơ bản tài sản chung chỉ là những vật dụng sinh hoạt, vì vậy vấn đề tài sản có thể không quá bức thiết. Tuy nhiên, với những trường hợp khác, khi vợ chồng đã có khối tài sản chung kha khá, chia tài sản là vấn đề chưa hẳn giải quyết được trong một hai phiên xét xử. Phải tình huống này, vợ chồng thường chọn cách chấm dứt tình cảm trước. Điều này nghĩa là sau khi chia tay, họ có thể còn gặp nhau nhiều tại tòa, khi một trong hai người yêu cầu chia tài sản. Rồi sau khi có án giấy, việc thi hành án lại đặt ra, mà thường là phải cưỡng chế thi hành án. Hai người sẽ tiếp tục căng thẳng hậu hôn nhân.
Về con cái, một số chọn giao con cho một người nuôi, hoặc cả hai cùng chăm sóc. Con cái ở với hoặc bố hoặc mẹ một thời gian nhất định trong năm. Một thời gian sau khi ly hôn, vợ chồng có thể kiện ra tòa yêu cầu thay đổi quyền nuôi con. Như vậy, người ly hôn lại phải nhìn thấy nhau trong các buổi tòa làm việc. Cũng giống như thi hành án, có thể còn cả cưỡng chế giao con.
Tình trạng cứ phải ra tòa ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống mới của người ly hôn. Khi chấm dứt về tình cảm, người ly hôn cảm thấy làm việc tại tòa thật nhẹ nhàng. Có khi chỉ khoảng hơn nửa tháng từ ngày đâm đơn, tòa đã ra quyết định thuận tình ly hôn. Tuy nhiên, nếu quay lại tòa với yêu cầu chia tài sản hoặc giành quyền nuôi con, bạn sẽ thấy thế nào là cuộc chiến pháp lý. Người ly hôn hẳn phải có luật sư. Do vậy, họ là hai phía đối địch với lực lượng đáng kể. Thay vì nửa tháng để giải quyết xong việc, hai phe có thể chiến đấu hàng năm.
Tuy nhiên, tranh chấp tài sản, con cái hậu hôn nhân là thực tế. Điều này đòi hỏi cần có thái độ phù hợp. Rõ ràng, nếu đó là việc bạn cần làm, bạn xác định nên làm đến nơi đến chốn. Sẵn sàng cho cuộc chiến. Bạn cũng nên xác định nếu phải tiến hành chiến tranh, thì đây là cuộc chiến tranh hạn chế. Không nên để cuộc chiến ảnh hưởng tới cuộc sống mới bạn vừa giành được. Nên cân đối mọi thứ: nhu cầu được đối xử công bằng; quyền có tài sản; quyền được nuôi dạy con; khả năng tài chính; ước muốn bình an; thời gian kiến tạo cuộc sống mới... Bạn cũng nên sẵn sàng cho một hiệp ước hòa bình.
Một số chia sẻ với người ly hôn vẫn phải tiếp tục cuộc chiến tại tòa:
1.Khi đã có quyết định ly hôn, mới chỉ chấm dứt tình cảm, chưa giải quyết vấn đề tài sản, con cái thì hãy đưa ra một giải pháp thỏa thuận để giải quyết cả hai vấn đề này, hoặc từng vấn đề. Luật sư sẽ giúp bạn đánh giá tình hình, xác định mục tiêu, thực hiện phương án thỏa thuận và ghi thỏa thuận thành văn bản.
2.Xác định nếu cần thì phải chiến đấu tại tòa. Bạn nên có chuẩn bị cho cuộc chiến, về chứng cứ, về tiền, về tâm lý. Nếu có thể thì ủy quyền. Nói chung là giải quyết vụ việc tại tòa với thời gian giành cho nó ít nhất.
3.Cuộc chiến tại tòa của bạn là cuộc chiến tranh hạn chế. Không để ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Hãy tập trung xây dựng cuộc đời mới.
4.Xác định “ điểm từ bỏ “, lúc nào ngừng chiến. Điều này phụ thuộc vào vị thế pháp lý của bạn, tiền bạc, khả năng chịu đựng về tâm lý của bạn. “ Điểm từ bỏ “ thường được đề xuất là kết thúc phiên tòa sơ thẩm, nếu bạn tranh chấp về tài sản và cảm thấy bản án sơ thẩm không có “ vấn đề “. “ Điểm từ bỏ “ sẽ khác nếu là việc bạn giành quyền nuôi con.
5.Sẵn sàng “ hiệp ước hòa bình “ tức là có một thỏa thuận khi tòa giải quyết vụ việc, khi có án, kể cả bản án đó có lợi cho bạn, khi thi hành án. “ Hiệp ước hòa bình “ khác “ điểm từ bỏ “ ở chỗ bạn phải chắc chắn có được cái gì đó. Luật sư sẽ giúp ghi thỏa thuận này.
Share :