HÔN NHÂN:5 CÁCH ĐỂ PHỤ NỮ KẾT HỢP YÊU CẦU ĐẠT MỤC ĐÍCH

HÔN NHÂN:5 CÁCH ĐỂ PHỤ NỮ KHI LY HÔN KẾT HỢP CÁC YÊU CẦU VỀ CON CÁI VÀ TÀI SẢN ĐỂ ĐẠT MỤC ĐÍCH
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Nên biết kết hợp các yêu cầu tài sản và con cái khi ly hôn
    Nên biết kết hợp các yêu cầu tài sản và con cái khi ly hôn
     Khi ly hôn, phụ nữ thiệt đủ đường. Có thể họ chỉ xách được mỗi cái va ly quần áo ra khỏi nhà. Tài sản có được do sự đóng góp của họ không thuộc về họ. Nếu được chia, có thể chỉ là bản án trên giấy. Họ không có cách nào để bản án được thi hành. Nếu có quyền nuôi con, việc không được chia tài sản khiến cuộc sống của người phụ nữ sau ly hôn thật khó.
     Có nhiều lý do để phụ nữ khó giành chiến thắng trong cuộc chiến tài sản. Lý do thứ nhất: Tài sản chung vợ chồng là cái khó chia. Ví dụ: Đất bố mẹ chồng cho, nhưng nhà do người vợ huy động tiền bố mẹ đẻ để xây; hàng ăn ở vị trí đắc địa do hai người cùng gánh vác, giờ không biết chia thế nào…Lý do thứ hai: Sự cản trở của một bên. Người chồng có dễ để vợ ra đi với số tiền kha khá và sau đó lập gia đình với người đàn ông khác bằng số tiền đó? Lý do thứ ba: Chưa hẳn người phụ nữ đã biết kết hợp các yêu cầu với nhau để đạt mục đích. Đây là cái người viết muốn bàn.
     Trong vụ ly hôn, các vấn đề phải giải quyết: 1.Tình cảm; 2.Tài sản; 3.Con. Vợ chồng thường tách bạch từng thứ. Thực tế thật khó tách bạch như vậy. Người vợ bao năm ở nhà nội trợ, nhưng chính điều này khiến người chồng có thể an tâm kiếm tiền. Vậy gọi là của chồng công vợ, đòi hỏi tiền bạc trong trường hợp chia tay là rất chính đáng. Tuy vậy, tòa án buộc ai đó đòi gì đó phải chứng minh là mình có phần. Người vợ nội trợ không dễ chứng minh phần đóng góp của mình trong đống cổ phiếu của công ty ông chồng thành lập cùng vài chiến hữu. Không chứng minh được phần của mình trong khối tài sản chung, dễ hiểu là người vợ nói trên không được chia đồng nào trong đống cổ phiếu giá trị ông chồng nắm.
     Người vợ nội trợ thực sự có thể nắm nhiều tiền trong tay nếu biết kết hợp các yêu cầu để đề ra yêu cầu chính đáng mới. Không yêu cầu đơn lẻ, trực diện kiểu đề nghị nuôi mấy con, chia bao nhiêu tài sản. Nếu làm vậy, bạn sẽ vấp phải cái bẫy chứng minh không thể vượt. Nhưng nếu bạn yêu cầu nuôi cả hai con, bạn đề nghị đối phương cung cấp tiền cho việc học và nuôi dạy con cái trong một cái quỹ, có thể dưới dạng một tài khoản. Bạn tính tổng chi phí nuôi con ăn học đến 18 tuổi, có thể hơn vì nếu người chồng không bỏ vợ, khi con anh ta tốt nghiệp đại học, anh ta sẽ phải bỏ tiền ra xin việc cho con. Bạn viết ra giấy quy định về góp quỹ, chi tiêu quỹ, minh bạch tiền trong quỹ. Bạn cũng có thể thỏa thuận với đối phương việc thăm nuôi, chăm sóc, ý kiến khi con cái chọn trường, chọn việc… Hoặc nếu đối phương không có tiền, mà lại có nhà do bố mẹ để lại, khi chia tay, người phụ nữ nên đòi quyền nuôi con, nhưng đề xuất chồng cho mình cái quyền cho thuê một số phòng trong nhà để có tiền cho con ăn học. Nói chung mỗi nhà mỗi cách.
     Để kết hợp các yêu cầu và đạt hiệu quả từ việc kết hợp đó, khi ly hôn, phía người vợ nên:
1.Trước khi đưa yêu cầu về con cái, tài sản, nên đánh giá cơ hội thắng kiện. Nên trình bày đầy đủ với luật sư để có đánh giá chuẩn.
2.Không nên đưa ra yêu cầu kiểu nuôi tất cả các con, chia nửa tài sản nếu cơ hội thắng kiện không cao. Nếu ít cơ hội, phải kết hợp các yêu cầu nuôi con và chia tài sản thành đề xuất mới.
3.Đề xuất phù hợp phải có luật sư hướng dẫn. Nên thể hiện dưới dạng văn bản và có chứng cứ cho thấy đã gửi văn bản này cho đối phương ( email, thư đảm bảo… )
4.Chuẩn bị nhiều nội dung đề xuất khác nhau. Đối phương không chấp nhận nội dung này thì đề xuất nội dung khác thay thế.
5.Khi đối phương gây cản trở, không hợp tác, có thể xem xét tạm ngừng việc ly hôn với lý do xin thời gian đoàn tụ. Thời gian tạm ngừng là cần thiết để đối phương thấy cần phải ly hôn, từ đó xem xét đàm phán việc chấm dứt hôn nhân.