HÔN NHÂN: 5 CÁCH ĐỂ CHIA TÀI SẢN DỄ HƠN
HÔN NHÂN: 5 CÁCH ĐỂ CHIA TÀI SẢN DỄ HƠN
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Có cách để thử làm việc chia tài sản khi ly hôn dễ hơn
Những việc tương tự thế này thật sự nhiều. Một ví dụ khác. Hai vợ chồng thuê nhà để sống. Người anh chồng muốn bán cho họ một phần đất, chấp nhận rẻ hơn so với ngoài. Người vợ về nhà xin tiền bố mẹ, vay cô dì chú bác nhà mình góp mua đất xây nhà. Sau này cả hai xích mích đưa nhau ra tòa. Ra tòa mới biết, do cả hai chưa chuyển tên Sổ Đỏ, anh chồng mang Sổ Đỏ đi thế chấp ngân hàng. Cô vợ muốn được chia phần khi ly dị cũng không dễ tí nào.
Nói đến chia tài sản vợ chồng khi ly dị, người trong cuộc thường buông thõng một câu: “ Cưa đôi! “. Ý là tài sản có bao nhiêu cứ chia nửa, ai lấy nguyên cái gì trả tiền cho bên kia. Thật ra, ngoài tỉ lệ 50/50, ra tòa, người ta vẫn có thể chia kiểu 40/60, 30/70. Rồi 50/50 của một tỷ khác với của hai tỷ. Nghĩa là giá trị tài sản là bao nhiêu là cả vấn đề. Các bản án của tòa thường định giá lô đất, căn nhà trên đất quá rẻ. Rồi bao giờ được nhận tiền? Nhận một cục hay từng tháng? Nói chia chác là vấn đề phức tạp ngay cả với trường hợp tưởng rõ ràng.
Trường hợp tiền đã gom cho nhà chồng xây nhà mua đất hẳn là vô cùng phức tạp. Phức tạp vì khi người vợ đưa tiền, ai lại đi bắt nhà chồng, nhất là có bố mẹ chồng, viết giấy nợ. Tài sản lại liên quan đến không chỉ một người, mà còn có phần của người kia, của bố mẹ, của anh em nhà chồng, của ngân hàng ...
Lẽ nhiên, mọi sự phức tạp đều có cách giải quyết. Cần nhận ra tại sao việc chia tài sản chung của vợ chồng, trong trường hợp một bên đã nhiều năm góp phần gây dựng khối tài sản đó, là khó khăn. Khó khăn nằm ở chính cách làm việc của tòa. Ra tòa, thẩm phán bao giờ cũng hỏi: Anh/chị yêu cầu được chia bao nhiêu tài sản? Sau khi đương sự trả lời, câu hỏi tiếp theo: Tại sao anh/chị lại đòi mức đó? Nghĩa là bạn muốn yêu cầu gì thì cũng phải có chứng cứ ủng hộ. Giả sử bạn nói lô đất này do bạn mua, vợ hay chồng bạn chỉ đi cùng ký tên, bạn phải chìa ra được chứng từ ngân hàng, cho thấy bạn là chủ tài khoản của chừng đó tiền, rồi đến ngày nào đó, tiền từ tài khoản được rút ra, người bán viết cho bạn một cái giấy biên nhận. Để chắc chắn hơn nữa, bạn phải có sao kê tiền lương hàng tháng của bạn, cho thấy bạn là người kiếm tiền chủ yếu trong nhà.v.v…
Vậy là vợ chồng nên có ý thức thu thập các chứng cứ có thể mang lại lợi thế khi phải chia tài sản chung. Mà rất có thể, vợ chồng nên chuẩn bị các chứng cứ này từ lâu, khi mà hôn nhân đang yên ấm nhất. Không nói đến chuyện phải chủ động phòng thân, việc này còn có tác động tích cực khác. Hiện tại đang rộ lên các lớp dạy cá nhân đầu tư, hay là người ta nên làm gì với tiền của mình. Việc hình dung mình đang đứng ở địa vị thu nhập nào, bằng cách có bức tranh tổng thể doanh thu – chi phí là điều mà các chuyên gia tài chính cá nhân khuyên nên làm.
Một vài đề xuất, chia sẻ để vợ chồng dễ dàng hơn trong việc xác định phần của mình trong khối tài sản chung:
1.Giữ các hóa đơn thu chi, giấy chuyển tiền, nhất là với các khoản lớn như mua đất, xây nhà, mua xe...Nếu cần thì đi xin xác nhận lại, của người đã bán đất, của người thầu xây nhà...
2.Nỗ lực thể hiện thu nhập trong thời gian chung sống. Đảm bảo có thể chứng minh mức lương, thu nhập tháng nếu bạn đi làm thuê. Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, đơn giản là cứ cộng tất cả hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu thu, giấy chuyển tiền ... để chứng minh thu nhập.
3.Lưu tâm tới các cách thức chứng minh đóng góp. Ví dụ như người vợ góp tiền mua đất với chồng. Cô ta xin được khoản tài trợ của bố mẹ đẻ. Nếu có giấy giao tiền của bố mẹ cho con gái, với mục đích mua đất thì đó là lợi thế chứng minh.
4.Tại thời điểm quan trọng, như mua đất, xây nhà, mở doanh nghiệp, hùn hạp làm ăn, đừng ngần ngại đặt vấn đề chia tài sản chung khi còn hôn nhân. Vợ chồng có thể tự thỏa thuận và yêu cầu tòa công nhận, ít ra thì thỏa thuận nên do luật sư, công chứng viên, thừa phát lại lập.
5.Khi ly hôn phải chia tài sản chung, cứ liệt kê các khoản đóng góp của mình vào khối tài sản chung, yêu cầu tòa án triệu tập những người liên quan đến khối tài sản chung đó đến làm việc, ví dụ bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, anh em nhà chồng... Đề nghị đối chất với họ làm rõ phần từng người trong khối tài sản chung.
Vận dụng giải quyết ca khó mà người viết gặp, chị vợ gửi tiền để nhà chồng xây nhà, chị vợ chỉ cần liệt kê các khoản mình gửi, có sao kê của ngân hàng càng tốt. Trình bày điều kiện thu nhập của mình, của chồng, của bố mẹ chồng. Yêu cầu triệu tập bố mẹ chồng đến và đề nghị đối chất. Thẩm phán sẽ có điều kiện rõ ràng hơn để chia tài sản.
Share :