HÔN NHÂN: 5 CÁCH CHIA TÀI SẢN CHUNG NHÀ CHỒNG NHANH
5 CÁCH ĐỂ CHIA TÀI SẢN CHUNG VỚI GIA ĐÌNH NHÀ CHỒNG ĐƯỢC CHÓNG VÁNH
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Chia tài sản chung là nhà do một người góp vào sửa trên đất bố mẹ chồng là yêu cầu khó, nhưng không phải không làm được
Những trường hợp kiểu này rất hay gặp. Vợ chồng sống chung với bố mẹ một bên, sau đó bỏ tiền làm lại, làm thêm nhà trên đất vẫn đứng tên bố mẹ. Hoặc góp vốn làm ăn với nhà chồng, vợ, việc làm ăn trở nên suôn sẻ. Câu hỏi chung cho mấy trường hợp là: Khi ly hôn, chia tài sản, nên làm gì để quyền lợi của người góp tiền, góp sức như vậy được đảm bảo?
Trước tiên, nên xem luật định về tài sản các trường hợp như vậy như thế nào?
Điều 33 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định:
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân...
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Điều 59 quy định nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Theo điều này, trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng và tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Trong dân sự, sự “ sáp nhập “, “ trộn lẫn “ luôn được hiểu là “ gộp “ nhiều tài sản thành một tài sản mới không thể phân chia. Trường hợp chị nói trên, việc bỏ tiền để sửa nhà, cơi nới nhà trên đất hẳn là một sự “ sáp nhập “. Vấn đề là tài sản mới, nhà được sửa sang cơi nới trên nền đất cũ của bố mẹ chồng, có thể coi là tài sản không thể phân chia không? Nếu tòa coi rằng đó là tài sản không thể phân chia, chị nói trên sẽ chỉ được tuyên là nhận một phần tiền tương xứng với công sức bỏ ra để tăng giá trị nhà đất.
Vậy mà, muốn xem diện tích nhà đất nào đó có thể được phân chia không, lại phải căn cứ vào quy định của địa phương đó về diện tích nhà đất tối thiểu được cấp Sổ Đỏ. Mỗi nơi có một quy định. Ví dụ Hà Nội là 30 m2 với một chiều không ít hơn 3 m. Điều này quyết định người trong cuộc nên yêu cầu chia tài sản chung thế nào, cụ thể, chị nói trên yêu cầu chia một phần nhà đất hay đề nghị thanh toán tiền? Và hẳn là bố mẹ chồng nên được mời ra tòa với tư cách người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan.
Tóm lại, người viết chia sẻ vài ý sau để việc giải quyết tài sản chung trong hôn nhân được thông suốt:
1.Trước khi xác định yêu cầu chia tài sản, nên tập hợp càng nhiều càng tốt chứng cứ về việc mình có đóng góp vào khối tài sản. Có thể là hóa đơn mua vật liệu xây dựng, giấy chuyển tiền, giấy nhận lương, phô tô Sổ Đỏ…
2.Giải thích các chứng cứ bằng văn bản gửi tòa về sự liên quan tới khối tài sản chung mà mình có đóng góp.
3.Biết kết hợp yêu cầu chia tài sản chung với các yêu cầu khác, ví dụ yêu cầu nhận nuôi con cái. Như trường hợp chị nói trên, nên yêu cầu chia nhà để con có chỗ ở.
4.Yêu cầu người có quyền lợi – nghĩa vụ liên quan ra tòa để có cơ hội làm rõ phần của mình trong khối tài sản. Trường hợp chị nói trên nên yêu cầu bố chồng ra tòa làm rõ việc mình gửi tiền về nuôi gia đình, xây nhà.
5.Sẵn sàng thỏa thuận đạt lợi ích vật chất chóng vánh, không đợi đến thi hành án, kể cả chấp nhận “ lùi “. Chia tài sản chung trong hôn nhân có thể động chạm, không chỉ lợi ích, mà còn cả thể diện của nhiều người. Trong khi rất có thể, bản án khiến ai đó “ mất mặt “, dẫn đến việc khó thi hành. Thỏa thuận là cách giữ thể diện cho người liên quan đồng thời có thể đạt lợi ích nhanh nhất.
Tóm lại, để giải quyết một việc tế nhị, phức tạp như chia tài sản trong hôn nhân, người trong cuộc cần tham khảo luật sư của mình.
Share :