HÔN NHÂN: 4 TÌNH HUỐNG KHÔNG CHIA TÀI SẢN

HÔN NHÂN: 4 TÌNH HUỐNG KHÔNG CHIA TÀI SẢN
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Không phải lúc nào vợ chồng đòi chia tài sản khi ly hôn cũng là lợi ích
    Không phải lúc nào vợ chồng đòi chia tài sản khi ly hôn cũng là lợi ích
Có thể bạn có thời gian chung sống vợ chồng đủ dài. Từ chỗ cả hai chỉ có túp lều tranh đúng nghĩa đến khi vẫn những túp lều tranh nhưng lại kèm với vài mảnh đất có Sổ Đỏ. Nếu mâu thuẫn trầm trọng xảy ra dẫn đến việc ly hôn, hẳn bạn và đối phương đều xác định chia tài sản thế nào. Một số nghĩ đến “ cưa đôi “. Có bao nhiêu quy hết thành tiền rồi chia cho mỗi người một nửa. Một số khác thì xác định nhờ tòa phân xử. Tòa thì căn bản cũng xử kiểu “ cưa đôi “ nhưng cách chia cụ thể khá phức tạp. Từ đó có thể nảy sinh ra tranh cãi triền miên.
Hai chữ “ cưa đôi “ ra đời trong dân gian gắn với sự ra đời của Luật Hôn nhân Gia đình 1988. Lúc đó, xã hội không dư giả. Tài sản mỗi gia đình đâu nhiều. Tính chất của tài sản không phức tạp. Đã ai biết đến cổ phần, lợi thế kinh doanh hay thuê mua. Vì vậy, “ cưa đôi “ khá dễ. Hồi đó, ngoài ngăn chia nhà đất, người ta cũng hay chia giường tủ, đài, quạt, ti vi ...
Hiện tại, xã hội có nhiều thay đổi đáng kể sau hơn 30 năm tính từ thời “ bung ra “ 1986 – 1988. Tài sản có thể là vật với khối lượng, kích thước, công năng... Tài sản cũng có thể là quyền, ví dụ quyền khai thác một vị trí đắc địa, quyền hưởng cổ tức. Việc phân chia tài sản không dễ chút nào. Rồi tỷ lệ ly hôn gia tăng. Đâu đó có thống kê là tỷ lệ ly hôn sau 5 năm chung sống ở những nơi văn minh như thành phố Hồ Chí Minh là hơn 30%. Vì vậy, việc phân chia tài sản, kéo theo là tranh chấp trong quá trình chia chác, tăng tương ứng.
Khi ly hôn, đòi miếng bánh của mình là điều cần làm. Tuy vậy, khi vợ chồng đưa nhau ra tòa, nhiều người hẳn tự hỏi: Có nên đòi tài sản không? Câu trả lời của một số người là: Không! Họ chấp nhận ra đi tay trắng. Người viết gặp nhiều người buông bỏ như vậy. Đại đa số có các lý do: Không muốn dây dưa gì với đối phương; người còn của còn; mình có khả năng mình lại có tự do nên làm lại được... Đều là các lý do cảm tính.
Nếu cần lý do lý tính – có tính phù hợp với thực tế, hợp lý nhất – để không yêu cầu chia tài sản, thì vợ chồng khi ly hôn, nên không yêu cầu chia tài sản trong trường hợp nào? Một số chia sẻ dưới đây có thể hữu ích:
Các trường hợp xem xét để không yêu cầu chia tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân khi ly hôn:
1.Khi cả hai vợ chồng góp vốn thành lập doanh nghiệp và chia tài sản của doanh nghiệp sẽ khiến doanh nghiệp không còn hoạt động bình thường. Vợ chồng có thể góp vốn để thành lập doanh nghiệp. Cái hình thành từ tiền góp như thiết bị, máy móc, nhà xưởng, nguyên vật liệu, các quỹ, lợi nhuận… có thể là đối tượng để tòa xem xét chia. Tuy nhiên, việc chia rất phức tạp, có thể khiến doanh nghiệp ngưng hoạt động hoặc gặp khó khăn. Nên xem xét để doanh nghiệp hoạt động bình thường, thỏa thuận về việc ai điều hành doanh nghiệp và phân chia tiền lãi.
2.Khi cả hai vợ chồng cùng trả góp tài sản có đăng ký như nhà, xe. Tài sản trả góp kiểu này thường giấy tờ vẫn thuộc ngân hàng cho vay. Việc tranh giành ảnh hưởng đến việc trả nợ, khiến ngân hàng thu hồi tài sản, hủy hợp đồng.
3.Khi cả hai vợ chồng có thỏa thuận nuôi dạy con cái sau khi ly hôn và giành cho con cái các tài sản mà mình có. Việc này có thể thực hiện dưới dạng một quỹ chung cho con cái học tập, lập nghiệp.
4.Khi bạn là người yếu thế trong việc hình thành khối tài sản chung, bạn chỉ muốn tự do và được giải phóng càng nhanh càng tốt. Rất khó nói tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân hoàn toàn do một người làm ra. Nếu không có người kia trợ giúp, hỗ trợ về tinh thần, người còn lại không có đủ thời gian, tỉnh táo, tập trung để đi kiếm tiền. Tuy vậy, nếu tự do là cái bạn thực sự muốn, bạn nên xem xét hi sinh yêu cầu tài sản.