HÔN NHÂN: 4 THỨ CẦN CHUẨN BỊ NẾU PHẢI LY HÔN
HÔN NHÂN: 4 THỨ CẦN CHUẨN BỊ NẾU PHẢI LY HÔN
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Đừng nên gửi đơn ly hôn ra tòa rồi mới tìm chứng cứ
Cách các vụ ly hôn diễn ra thường là: Vợ hay chồng ( 70% là các bà vợ ) đâm đơn; thẩm phán triệu tập, hỏi yêu cầu gì về con cái, tài sản; các yêu cầu thường giống nhau: giành toàn bộ quyền nuôi con và chia tài sản theo luật. Đến khi được hỏi về các chứng cứ ủng hộ cho yêu cầu, các bên mới đôn đáo đi tìm. Do chưa bao giờ ra tòa, các bên thường thiếu sót trong việc cung cấp các chứng cứ, ví dụ: yêu cầu chia đất nhưng không trình được Sổ Đỏ, yêu cầu nuôi cả hai con nhưng không chứng minh được điều kiện kinh tế... Khi các yêu cầu không được đáp ứng, các bên cảm thấy bị đối xử thiếu công bằng. Rồi chống án, không thi hành bản án. Lại thêm mâu thuẫn diễn ra. Mâu thuẫn sau có thể còn trầm trọng hơn mâu thuẫn trước.
Khi một bên đòi tài sản trong thời kỳ hôn nhân, thường gặp phải sự chống đối của bên kia. Người vợ muốn chia nhà đất có trong thời kỳ hôn nhân chẳng hạn, tòa án chỉ xem xét yêu cầu nếu như người vợ trình được phô tô Sổ Đỏ. Điều này nếu không có sự chuẩn bị thì không dễ dàng đáp ứng, vì người chồng – chẳng hạn là người giữ Sổ Đỏ trong tay – đâu dễ chìa Sổ Đỏ cho người vợ đi phô tô?
Quy định của pháp luật là người ngoại tình hoặc bạo hành trong hôn nhân có thể phải chịu thiệt thòi khi chia tài sản. Tuy nhiên, việc thu thập, ghi nhận, hợp thức hóa chứng cứ kiểu này khá khó khăn. Thậm chí, các bên còn không biết đến sự tồn tại của quy định này. Từ đó có thể thấy, khi ly hôn, sự vội vàng, thiếu chuẩn bị luôn kéo theo mất mát.
Bất cứ ai ra tòa, khi đưa ra yêu cầu tài sản, đều có nghĩa vụ nộp một khoản tiền ban đầu, gọi là tạm ứng án phí. Tạm ứng án phí thường khoảng 2% tổng giá trị tài sản đòi. Thiếu chuẩn bị tiền, không đóng được tạm ứng án phí, việc đòi tài sản bị gạt sang một bên cũng là nguyên nhân gây bất bình của các bên.
Nếu ly hôn là sự kiện dẫn đến thay đổi về tâm lý, tình cảm, cuộc sống, sinh hoạt học tập của con cái, nó cần được người trong cuộc chuẩn bị tinh thần kỹ càng. Tương tự như vậy, nếu ly hôn dẫn đến thay đổi pháp lý về tài sản, quyền nuôi con, nó cũng cần khoảng thời gian để chuẩn bị. Thiếu chuẩn bị pháp lý cũng là dạng quyết định ly hôn vội vàng.
Nên dành thời gian chuẩn bị pháp lý cho việc ly hôn. Trong khoảng thời gian này, những cái nên chuẩn bị là:
1.Các chứng cứ về lỗi của phía bên kia trong hôn nhân, nếu bạn không đạt được đồng thuận ly hôn. Chứng cứ có thể là: Sao chụp thương tích, bệnh án, đơn thuốc … nếu có bạo lực; văn bản giải trình của người làm chứng về bạo lực; ảnh chụp, đoạn video, đoạn tin nhắn và giải trình nếu liên quan đến ngoại tình.v.v…
2.Các chứng cứ về tài sản, nếu bạn có yêu cầu tài sản. Nên dành thời gian đủ lâu để có trong tay các bản phô tô Sổ Đỏ, đăng ký xe, hóa đơn chuyển tiền nếu bạn góp tiền để xây nhà, giấy tờ nợ, trả nợ, sao kê thu nhập hàng tháng … Nên có giải trình đầy đủ về các chứng cứ này.
3.Liệt kê chi tiêu cho việc học hành, sinh hoạt của con cái bạn. Thu thập thông tin cần thiết liên quan tới việc học hành, sinh hoạt của con bạn. Đảm bảo chứng minh được về thu nhập, như là các khoản lương thưởng tháng để cho tòa thấy bạn là người nuôi con tốt nhất.
4.Tiền có thể là vấn đề. Nên nhớ bạn phải đóng tạm ứng án phí khi đưa ra yêu cầu. Xác định các chi phí cần thiết cho một phiên tòa ly hôn có tranh chấp về tài sản. Có kế hoạch tích cóp để chi phí cho việc bạn đòi tài sản.
Nói chung, chuẩn bị những thứ trên cần thời gian, và nhất là một luật sư để đảm bảo tính hệ thống và logic của các chứng cứ.
Share :