HÌNH SỰ: VỤ GATEWAY, BÀ QUY NÊN NÓI GÌ?
HÌNH SỰ: VỤ GATEWAY, BÀ QUY NÊN NÓI GÌ?
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Ra tòa người ta luôn cần trợ giúp
Bà là người có trách nhiệm đưa đón học sinh trường Gateway. Do bị bỏ quên trên xe, một học sinh bị tử vong. Cùng bị quy tội vô ý làm chết người với bà là tài xế Doãn Quý Phiến, một cô giáo bị quy tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 15/1/2019, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy tuyên bà 24 tháng tù giam. Phải thêm là bà có luật sư từ ban đầu, khi công an mới chỉ gọi hỏi. Luật sư của bà đã bắt đầu bảo vệ bà một cách thật ấn tượng. Về sau tiếc là chính bà từ chối luật sư.
Bà kháng cáo kêu oan ngày 16/1/2019. Theo bà có10 vấn đề bản án chưa giải đáp: bà phải chăm sóc học sinh đi xe song không có hợp đồng, chưa được tập huấn chuyên môn; không có giáo viên đứng ra giao nhận học sinh; vấn đề trách nhiệm của nhà trường chưa được đặt ra, nếu trường thông báo tìm kiếm có lẽ cháu bé không chết; tài xế mới là người đóng cửa ôtô cuối cùng; thời điểm bà đóng cửa xe cháu bé chưa chết; các vấn đề như ai là người thay áo cho cháu bé, rèm cửa ôtô lúc sáng và chiều ở trạng thái khác nhau chứng tỏ có người đã lên xe cũng chưa được lý giải...
Thực tế, các bị cáo, sau khi án sơ thẩm tuyên, đối mặt với lựa chọn khó khăn: có nên kháng cáo không? nếu nên, kháng cáo kêu oan hay xin giảm nhẹ?
Về vấn đề có nên kháng cáo không, bà Quy lựa chọn nên. Mức án với bà Quy và những người khác trong vụ này có thể nói là phải chăng. Tuy vậy, bà Quy kháng cáo là hợp lý. Một mặt, bà có thể tận dụng cơ hội tại cấp phúc thẩm. Mặt khác, sau sơ thẩm, người ta đã hình dung được kết cục. Việc xin phúc thẩm là cách để người ta có thêm thời gian chuẩn bị cho ngày tháng sắp tới. Những người bị kết tội sẽ có những ngày mất tự do. Họ cần có sự chuẩn bị, gặp mọi người, đòi các món nợ, tranh thủ làm nốt việc gì đó…
Về vấn đề kêu oan hay xin giảm nhẹ, trả lời không dễ. Để trả lời câu hỏi này, cần kiến thức, kinh nghiệm của luật sư. Thêm nữa, luật sư phải đọc hồ sơ, phải tham gia phiên tòa. Tiếc là bà Quy, và đa số các bị cáo kháng cáo phúc thẩm thiếu đi sự đồng hành của luật sư trong giai đoạn quan trọng này ( vì đã không có luật sư từ khi vụ án được khởi tố ). Nếu kêu oan, câu hỏi khó cho bị cáo là tại sao lại oan? bị cáo cho rằng mình không phạm tội sao? Một luật sư sẽ hiểu oan gồm hai dạng, thân chủ không thực hiện những việc đã bị quy kết và người ta chưa chứng minh được thân chủ là có tội. Với dạng thứ hai, câu trả lời được cài đặt cho thân chủ sẽ là: Thưa tòa, tôi nói bị oan là vì việc chứng minh tôi là kẻ phạm tội chưa được chuẩn xác, chưa chuẩn xác ở chỗ 1,2,3…
Đáng khâm phục bà Quy tuy không có luật sư vẫn chỉ ra được 10 vấn đề. Tuy nhiên, có lẽ bà chỉ nói được như vậy. Phân tích sâu hơn sao bà nói vậy, sao những điều đó khiến việc chứng minh tội phạm của bà chưa đạt được, có lẽ nằm ngoài tầm với của bà. Bà lại không thuê luật sư, chứ nếu thuê hẳn bà đã có hồ sơ trong tay. Ngay cả khi có hồ sơ, chưa hẳn bà biết nên nói những gì. Đây là việc của luật sư, những người được đào tạo và thực hành tư duy lô gic.
Người viết chưa được gặp bà Quy, không có hồ sơ và cũng chưa tham gia phiên tòa. Tuy vậy, trò chơi bàn ra tán vào một sự kiện cũng hết sức thú vị. Trên cơ sở những gì đã biết, người viết nghĩ bà Quy vừa nêu 10 vấn đề, vừa phải đưa ra kết luận tại sao người ta không chứng minh được tội phạm của bà. Ví dụ, khi nói bà chưa được tập huấn, trường không có người giao nhận học sinh, trường không kịp thời thông báo tìm cháu bé, bà phải kết luận rằng trường, chứ không phải bà là người chịu toàn bộ trách nhiệm về an toàn học sinh. Về điểm này, bà cần chuẩn bị tâm lý khi người ta hỏi bà: bà cho rằng bà không chịu trách nhiệm gì trước cái chế của cháu bé? Bà có dám nói thưa tòa tôi không chịu trách nhiệm gì không là cả vấn đề.
Vấn đề rèm xe, chiếc áo bị thay thì chỉ có thể đọc hồ sơ, có đủ trí tưởng tượng, có kiến thức pháp y để hiểu kết luận giám định thì mới có thể khai thác được. Bà phải dựng lên một câu chuyện giả thuyết, để giải thích về việc có người lên xe, tại sao họ lên, tại sao thấy cháu bé nằm trên xe lại không đưa xuống, còn nếu cho rằng cháu chết ở trong trường và được ai đó đưa lên xe để dồn tội cho bà thì đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, khả năng suy luận ghê gớm.
Tóm lại, ra tòa luôn là việc gì đó phức tạp, cần người có chuyên môn hỗ trợ.
Share :