HÌNH SỰ: SÁU CÁCH GIÀNH THIỆN CẢM ĐỂ TÒA GIẢM NHẸ

HÌNH SỰ: SÁU CÁCH GIÀNH THIỆN CẢM CỦA TÒA ĐỂ ĐƯỢC GIẢM NHẸ
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Thực chất thẩm phán cùng là người và có quyết định cảm tính
    Thực chất thẩm phán cùng là người và có quyết định cảm tính
          Số phận của bị cáo bị quyết định phần khá lớn bởi các thẩm phán xử họ. Tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát thường đưa ra một đề xuất kết án, ví dụ đề nghị tòa tuyên bị cáo chịu hình phạt tù giam từ 4 đến 7 năm tù. Thẩm phán có thể tuyên bị cáo chịu 3 năm, 5 năm, 7 năm. Sẽ chẳng có gì sai trái nếu thẩm phán chọn 7 năm thay vì 4 rưỡi năm. Nhưng rõ ràng, đó là hai mức khác nhau. Vấn đề là cái gì khiến thẩm phán chọn như vậy?
         Luật định: Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Nói riêng việc chỉ tuân theo pháp luật thì pháp luật thuộc lý tính con người. Chỉ tuân theo pháp luật nghĩa là thẩm phán chỉ để cho lý trí mình lên tiếng. Có điều, các nhà tâm lý học chỉ ra khi đưa ra một quyết định, con người ta thường thiên về cảm tính. Bạn rõ ràng thích những người khen bạn, nghe không ngắt lời bạn, thừa nhận cái bạn nói, tỏ ra hối lỗi với bạn. Bạn không thích những người thắng bạn trong cuộc cãi vã. Nếu bạn có cái gì đó để tặng người khác, bạn hẳn sẽ hào phóng với những người có thể gây cảm tình với bạn. Bạn cũng không nỡ đối xử tệ bạc với những người ở bước đường cùng.
         Thẩm phán cũng là người và bị cảm tính chi phối. Họ không thích bị cáo cãi tay đôi với họ, cho dù xét về lý, bị cáo được quyền như vậy. Họ sẽ thưởng cho những người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hoàn cảnh khó khăn một vài tháng hay một vài năm tù ít hơn. Luật sư thích ăn thua đủ, thích thể hiện thì đơn giản là thân chủ của anh/chị ta thân chủ của anh ta phải trả giá thêm vài năm tù.
          Bạn cũng có thể hỏi: Ngoài thẩm phán ra, còn hội thẩm nhân dân nữa. Họ cũng có vai trò độc lập và quyết định một bản án. Hội thẩm nhân dân thì sao? Gần đây, các tòa án thường lấy hội thẩm nhân dân là các thẩm phán về hưu, một số hội thẩm nhân dân khác thường là giáo viên, cán bộ đoàn, cán bộ phụ nữ… Về cơ bản thì quyết định của họ cũng bị chi phối bởi cảm tính giống các thẩm phán như trên tôi đã phân tích. Giả sử, bị cáo gây được cảm tình với cả ba người, một thẩm phán và hai hội thẩm, mức án tuyên với bị cáo có thể nhẹ đi đáng kể.
         Vậy cách nào để một bị cáo tranh thủ được cảm tình của những người xử mình và nhận được bản án nhẹ từ họ?
1/Luôn giữ thái độ nhẹ nhàng, đúng mực, khiêm nhường. Bị cáo có thể rất giàu, có thế lực, bằng cấp đầy mình, rất yêng hùng… Vài ba giờ thể hiện sự khiêm nhường trước tòa không làm mất đi danh tiếng sẵn có của bị cáo.
2/Có được nhận định tình thế đúng sẽ quyết định nhiều đến thái độ bị cáo tại tòa. Ví dụ vụ án đã rõ, bị cáo nên lựa chọn thái độ thành khẩn, ăn năn. Luật sư sẽ góp phần giúp bị cáo hiểu được thế pháp lý của mình.
3/Tập những câu trả lời thẩm phán có tính thừa nhận. Ví dụ: Thẩm phán: - Có đúng là anh lấy chiếc xe SH đó không? Bị cáo: - Vâng. Tôi lấy chiếc xe. Lúc đó trời tối, lại vội vàng, tôi không nhớ là xe gì, cũng có thể là SH. Tập cách trả lời cũng nên nhờ một luật sư.
4/Với những vụ có nhiều điều tranh cãi, như là vai trò bị cáo ra sao? bị cáo nhận thức điều đó là phạm tội không? hậu quả thực sự như thế nào?... bị cáo nên trả lời giống thừa nhận, thực ra vẫn nêu được vấn đề để thẩm phán xem xét. Ví dụ: Hành vi thao túng chứng khoản của anh có gây hậu quả không? Vâng. Việc tôi làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Về hậu quả, tôi mong tòa xem xét thêm những cách tính hậu quả khác, như là 1234…
5/Với đại diện Viện Kiểm sát, khi đối đáp không cần nặng lời sát phạt như nhiều bị cáo vẫn làm. Hãy nói với tòa, không phải nói với đại diện Viện Kiểm sát: Thưa tòa, quan điểm vị đại diện Viện Kiểm sát là quan điểm buộc tội. Tôi mong tòa xem xét các quan điểm 1234 sau đây…
6/Khi nói lời nói sau cùng, cần dành lời ca ngợi tòa đã xét xử công tâm, hỏi toàn diện, giáo dục để bị cáo nhận thức lỗi lầm hoặc có thêm nhận thức mới. Cam kết khắc phục hậu quả. Cam kết thay đổi. Tỏ ra tin tưởng và chấp nhận mọi phán quyết của tòa.
          Nói chung, tranh cãi tại tòa là việc của luật sư. Cái bị cáo nên làm là cải thiênk tình trạng pháp lý, giành thiện cảm với tòa. Nên nhớ ngay cả khi bị cáo thừa nhận có tội, thì luật sư vẫn có thể đề nghị tòa tuyên bị cáo vô tội.