HÌNH SỰ: NÓI LỜI NÓI SAU CÙNG THẾ NÀO
HÌNH SỰ: NÓI LỜI NÓI SAU CÙNG THẾ NÀO
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Lời nói sau cùng có thể cải thiện tình trạng pháp lý bị cáo hoặc thay đổi chiều hướng vụ án, nên các bị cáo cần bàn bạc kỹ với luật sư
“1. Sau khi những người tham gia tranh luận không trình bày gì thêm, chủ tọa phiên tòa tuyên bố kết thúc tranh luận.
2. Bị cáo được nói lời sau cùng. Không được đặt câu hỏi khi bị cáo nói lời sau cùng. Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc hỏi. Hội đồng xét xử có quyền yêu cầu bị cáo không được trình bày những điểm không liên quan đến vụ án nhưng không được hạn chế thời gian đối với bị cáo.”
Thực tế trong những màn tranh cãi muôn vẻ ngoài đời, ai là người nói sau cùng được coi như người chiến thắng. Trong một phiên tòa hình, bị cáo bị đưa lên bàn mổ xẻ. Họ bị hỏi đủ thứ, từ hành vi phạm tội đến gia cảnh. Chẳng ai muốn nhắc lại những thứ đó. Rồi thì họ bị cuốn vào màn tranh luận mà thường họ là người thất thế. Lời nói sau cùng giành cho bị cáo giống một liều thuốc an thần.
Ngoài tác dụng với chính bị cáo, lời nói sau cùng còn có tác dụng với tòa. Lời nói sau cùng thường là lời sám hối, xin tòa mở lượng khoan hồng. Nghe những lời này, tòa cũng có thể dịu lại, nhất là khi vừa trải qua những buổi làm việc xoắn não, bị cáo, người bị hại, các luật sư có thể đã gay gắt với người xét xử. Rồi nữa, tâm lý chung mọi người, trong đó có người xét xử, là quan tâm đến những câu nói sau cùng của cả phần nói dài dòng, kiểu “ tóm lại là “, “ cuối cùng tôi chỉ muốn nói “, “ kết luận lại thì “... vậy nên luật dành lợi thế này cho người thất thế trong vụ xử - đó chính là bị cáo.
Tác động khác đến chính vụ án có thể nằm trong cái câu “ Nếu trong lời nói sau cùng, bị cáo trình bày thêm tình tiết mới có ý nghĩa quan trọng đối với vụ án thì Hội đồng xét xử phải quyết định trở lại việc hỏi “. Tình tiết mới bị cáo trình bày trong lời nói sau cùng có thể có sức công phát cỡ bom tấn. Nếu làm tốt, ít thì nó chặn đứng việc kết tội ( vào hôm đó hoặc vài hôm sau ), nhiều thì nó xoay ngược chiều hướng vụ án, có thể giải oan hoặc gỡ gạc cho bị cáo.
Lẽ nhiên, tình tiết mới đó phải có sức nặng. Ngoài ra, nó cũng phải được bị cáo tập dượt trước thông qua việc trình bày. Sức nặng của tình tiết mới nghĩa là một khi nó xuất hiện, tòa sẽ phải giành thời gian xác định liệu có bỏ sót kẻ phạm tội nào không? hoặc thậm chí bị cáo có bị oan sai không? bị cáo phạm tội đó hay tội khác? Việc tập dượt trình bày gồm cả nói gì cho lưu loát, logic nhất, trả lời thế nào khi tòa quay lại hỏi.
Một ví dụ cho việc trình bày tình tiết mới khi bị cáo nói lời sau cùng. Trong một vụ án mà người viết là luật sư bào chữa, bị cáo nói với luật sư là thực ra ngoài các bị cáo ra, còn một người khác cũng phạm tội nhưng trước đó, các bị cáo đã không khai để bảo vệ anh ta. Sau đó, anh ta không chịu giúp các bị cáo khắc phục hậu quả, nên các bị cáo muốn tố anh ta trước tòa. Luật sư cho rằng đây là tình tiết mới và tư vấn cho bị cáo là hãy đợi đến khi được nói lời sau cùng hãy trình bày. Quả nhiên, sau khi trình bày, tòa quay lại xét hỏi. Bị cáo đã được chuẩn bị trước các câu trả lời nên đã trả lời tương đối mạch lạc. Kết quả là hôm đó tòa không tuyên án được và phải trả hồ sơ đề điều tra bổ sung.
Một số điều đáng lưu tâm mà người viết muốn chia sẻ cho bị cáo phải nói lời sau cùng:
1.Xác định từ trước khi mở tòa là kêu oan, trình bày tình tiết mới để tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung hay chấp nhận xử. Điều này sẽ là điều chi phối nội dung lời nói sau cùng của bị cáo.
2.Nếu chấp nhận xử, trình bày hoàn cảnh, nguyên nhân dẫn đến việc mình đã làm. Trình bày về nỗ lực khắc phục hậu quả, hứa khắc phục hậu quả. Cam đoan cải tạo tốt để sớm hoàn lương. Nếu có thể, xin giảm nhẹ cho những bị cáo khác. Đừng quên cám ơn tòa.
3.Nếu muốn tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, hãy chuẩn bị tình tiết mới và các câu trả lời về tình tiết mình trình bày. Tập dượt để khi đề cập tình tiết mới không bị ngắc ngứ.
4.Nếu là kêu oan thì nên kêu gọi tòa xem xét những điều mà mình cho là bị oan. Giải thích tại sao lại như vậy. Tỏ ý tin tưởng vào phán quyết của tòa.
Share :