HÌNH SỰ: LẤY LẠI CÁI BỊ CÔNG AN THU

HÌNH SỰ: LẤY LẠI CÁI BỊ CÔNG AN THU
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Khi khám nhà, công an có quyền thu nhiều tài sản, tài liệu. Nên nỗ lực kiểm soát và lấy lại cái bị thu.
    Khi khám nhà, công an có quyền thu nhiều tài sản, tài liệu. Nên nỗ lực kiểm soát và lấy lại cái bị thu.
Trong quá trình điều tra một vụ án, công an có thể thu giữ nhiều đồ vật, tài sản. Các vật thu giữ gồm nhiều loại. Có thể trực tiếp liên quan đến vụ án. Cũng có thể chẳng liên quan gì. Ví dụ, người ta hoàn toàn có thể thu  tại nhà một gã cướp xe máy chiếc xe bị cướp và khoanh sừng tê giác mà  người nhà gã mua. Người ta cũng có thể thu tại nhà một tay buôn ma túy tiền, vàng, Sổ Đỏ... với lý do những thứ đó hoặc chuẩn bị được dùng mua ma túy, hoặc có được do bán ma túy. Cái gọi là “ vật chứng “ cực kỳ rộng. Có thể là cây cọc hàng rào được dùng đánh người, có thể là một căn biệt thự nếu chủ nhân của nó hối lộ quan chức thành phố để mua rẻ. Rồi nữa, nếu một tay trộm vặt kịp bán tài sản ăn trộm, mua lô – tô và trúng 30 tỷ, thì số tiền này cũng có thể bị thu giữ vì người ta nói rằng đây là tài sản do phạm tội mà có.
Về xử lý vật chứng, điều 106 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định như sau:
...
1. Việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
b) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
c) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;
b) Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;
c) Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;
d) Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
...
Để tránh bị thu giữ tài sản, hoặc mau chóng có lại tài sản bị thu giữ, một vài chia sẻ với bị can, bị cáo hay người nhà là:
1.Khi công an khám nhà, hãy hỏi tội danh mà người bị tình nghi, bị can có thể bị quy kết. Chỉ chủ động đưa, hoặc để lấy đi, những thứ liên quan đến tội danh đó. Giám sát tài sản thu giữ. Có thể ghi hình quá trình thu giữ, chụp lại các tài sản bị thu giữ. Ghi rõ ý kiến vào biên bản thu giữ nếu không đồng tình với việc thu giữ một số tài sản.
2.Với giấy tờ, hợp đồng, hóa đơn, giấy phép, bằng cấp, chứng chỉ...yêu cầu cho phô tô và đề xuất giao bản phô tô cho công an phục vụ điều tra. Cam kết trình bản chính cho cơ quan tiến hành tố tụng sau này nếu có yêu cầu.
3.Với máy tính, điện thoại, USB... yêu cầu copy dữ liệu.
4.Yêu cầu không thu giữ những thứ là vật dụng sinh hoạt, phương tiện sinh sống. Khẳng định không có lỗi trong việc để người bị tình nghi, bị can sử dụng những thứ đó để phạm tội.
5.Theo sát quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Hãy có luật sư để giải quyết vấn đề tài sản bị thu giữ nếu tài sản đủ lớn. Liên tục yêu cầu được lấy lại tài sản đó và chuẩn bị các chứng cứ ủng hộ yêu cầu này.