HÌNH SỰ: LÀM SAO ĐỂ CÓ HỒ SƠ VỤ ÁN KHI ĐANG BỊ TẠM GIAM
HÌNH SỰ: LÀM SAO ĐỂ CÓ HỒ SƠ VỤ ÁN KHI ĐANG BỊ TẠM GIAM
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Bị cáo ra tòa mà không có hồ sơ trên mặt bàn khai báo,không giấy bút ghi chép là bất lợi
Trại tạm giam là một thế giới có kỉ luật nghiêm ngặt. Bị can không thể mang vật dụng cá nhân vào phòng giam. Bị can không được có giấy bút. Cái bút có đầu nhọn có thể là vũ khí lợi hại để thanh toán nhau. Không có thứ để ghi chép, bạn khó có thể tư duy chặt chẽ. Đúng là có các lá đơn cứu xét được bị can viết trong thời gian bị tạm giam, nhưng những lá đơn này được viết khi làm việc với điều tra viên. Trong các buổi làm việc này, bị can thường xin điều tra viên một tờ giấy và mượn luôn bút của điều tra viên. Viết xong đơn, họ đưa điều tra viên kẹp vào hồ sơ.
Nhưng có đúng là bị cáo nhất định phải chịu cảnh không có hồ sơ, giấy bút ghi chép không? Chúng ta sẽ xem luật qui định sao?
-Về hồ sơ: Điều 60 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị can có quyền đọc, ghi chép hồ sơ khi kết thúc điều tra theo yêu cầu. Quyền này được chi tiết tại điều 29 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và điều 10 Thông tư 34/2017/TT-BCA ngày 19/09/2017: Người bị tạm giam được nhận tài liệu khi được cơ quan điều tra cho phép và tài liệu phải để mở, chịu sự kiểm duyệt của trại tạm giam.
Riêng với việc sao chép hồ sơ vụ án, điều 5,6,7 Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT ngày 01/02/2018 quy định: Bị can bị tạm giam có yêu cầu bằng văn bản gửi lên trại tạm giam. Trại tạm giam sẽ gửi văn bản đó lên cơ quan điều tra sau 01 ngày. Cơ quan điều tra sẽ mang tài liệu vào phòng hỏi cung trong trại để bị can ghi chép. Việc ghi chép không hạn chế số lần. Mỗi ngày 02 lần. Mỗi lần không quá 03 giờ. Điều tra viên phải cung cấp bút và giấy. Sau khi bị can ghi chép xong, điều tra viên thu lại bút, giấy đã ghi chép thì bị can được đem vào buồng giam.
-Về giấy bút: Điều 4 Thông tư 32/2017/TT-BCA ngày 19/09/2017 quy định vật cấm đưa vào buồng giam gồm các loại giấy, bút, mực trừ trường hợp được trại giam cho phép.
Vậy nghĩa là bị can trong trại vẫn có thể được đọc, ghi chép, nhận hồ sơ vụ án và mang giấy bút vào phòng giam. Lẽ nhiên để có nó phải làm nhiều thao tác. Vậy, các thao tác đó là gì?
1.Khi kết thúc điều tra, hãy yêu cầu điều tra viên phô tô toàn bộ bản cung mình khai, bản cung người khác khai về mình, biên bản giám định, định giá...
2.Đề nghị với trại tạm giam cho phép mang bản phô tô hồ sơ vào phòng giam; xin được sử dụng giấy bút.
3.Yêu cầu trại tạm giam cung cấp giấy bút làm đơn gửi cơ quan điều tra bố trí các buổi đọc hồ sơ. Đọc hồ sơ trong càng nhiều buổi càng tốt.
4.Nên có luật sư để có người can thiệp thực hiện quyền có hồ sơ, giấy bút trong phòng giam.
5.Nếu ra tòa mà vẫn không có hồ sơ trong tay, yêu cầu hoãn phiên tòa và cung cấp các bản phô tô lời khai của mình, của người khác về mình, các tài liệu khác.
6.Xử sơ thẩm xong nên yêu cầu tòa gửi vào trại tạm giam một bản án cho mình.
Việc mang hồ sơ, giấy bút vào phòng giam là chuyện khó, có thể cơ quan điều tra, trại tạm giam không đáp ứng. Nhưng, việc của bị can cứ phải là: yêu cầu, yêu cầu, yêu cầu...
Share :