HÌNH SỰ: LÀM GÌ TRONG CÁC GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA NHẠY CẢM
HÌNH SỰ: LÀM GÌ TRONG CÁC GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA NHẠY CẢM
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Hiểu việc bạn cần làm khi bị điều tra là cải thiện tình trạng pháp lý và giữ phương hướng
Nên hiểu giai đoạn nhạy cảm là giai đoạn xuất hiện các biến cố. Ví dụ, bạn đột nhiên bị công an gọi hỏi, hoặc bạn biết công an đã khởi tố vụ án, hoặc bạn bị áp dụng biện pháp tạm giam, hoặc bạn nhận được cáo trạng… Cũng nên hiểu, giai đoạn nhạy cảm khi điều tra thường khiến bạn bị sốc tâm lý, mất phương hướng, từ đó tự khai điều bất lợi khiến người ta mở rộng vụ án để buộc tội bạn.
Nhiệm vụ xuyên suốt của bạn trong tất cả các giai đoạn nhạy cảm là cải thiện tình trạng pháp lý, giữ được phương hướng. Một số gợi ý để bạn vượt qua các giai đoạn nhạy cảm của vụ án.
1/Nhớ các giai đoạn nhạy cảm trong một cuộc điều tra: Gọi hỏi – Tạm giữ - Tạm giam – Thay đổi biện pháp ngăn chặn – Kết luận điều tra – Lập cáo trạng. Ra tòa không thuộc giai đoạn điều tra nhưng khi có cáo trạng bạn phải chuẩn bị ra tòa.
2/Khi bị cơ quan công an triệu tập, hình dung công an có thể đã biết những gì? Nếu bạn khai, lời khai của bạn có phải là cách duy nhất để công an phá án không? Từ đó định hướng cách cải thiện tình thế pháp lý và lời khai phù hợp. Cần hiểu thế nào là lời khai bất lợi. Bạn hoàn toàn có thể từ chối khai cái bất lợi cho bạn. Khi làm việc với công an, bạn đã nên có luật sư.
3/Khi bị tạm giữ, nếu đã có định hướng cải thiện tình thế pháp lý và lời khai phù hợp, trong giai đoạn này thì hãy kiên định với định hướng và lời khai.
4/Khi bị tạm giam, bạn cần thích nghi với môi trường trại tạm giam, đồng thời phải nhớ nhiệm vụ chính của bạn là cải thiện tình trạng pháp lý. Xin trại giam cho sử dụng giấy bút, xin điều tra viên phô tô cho các lời khai của bạn và người khác khai về bạn, xin mang các giấy tờ đó vào buồng giam. Cũng nên đánh giá và hiện thực hóa cơ hội để được tại ngoại ( thay đổi biện pháp ngăn chặn ) nếu có điều kiện làm như vậy.
5/Bạn có thể thay đổi hoàn toàn lời khai của bạn trong bất cứ giai đoạn nào. Chỉ cần bạn có lời khai “ nghe được “ và hiểu ý nghĩa của việc thay đổi đó. Nhưng nên hiểu giai đoạn trước khi Viện Kiểm sát ra cáo trạng, việc thay đổi lời khai có thể có hiệu ứng tích cực.
6.Khi tòa án gửi cho bạn thông báo về việc xét xử, lúc này cần chuẩn bị ra tòa: Xác định nói gì tại tòa, giải thích lời khai mâu thuẩn, nói lời nói sau cùng… Lúc này bạn cần luật sư nhất.
Share :