HÌNH SỰ:CÓ THỂ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI DÂN SỰ VÀO VỤ HÌNH SỰ KHÔNG VÀ CÁCH THỨC

HÌNH SỰ:CÓ THỂ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI DÂN SỰ VÀO VỤ HÌNH SỰ KHÔNG VÀ CÁCH THỨC
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Các dự án luôn là đối tượng mua bán khi chủ dự án bị truy tố
    Các dự án luôn là đối tượng mua bán khi chủ dự án bị truy tốNhãn
         Biện pháp khẩn cấp tạm thời là quy định dùng để giải quyết án dân sự, không phải hình sự. Nó được hiểu là biện pháp tòa án áp dụng nhằm giải quyết nhu cầu cấp bách của các bên, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tài sản, bảo đảm án được thi hành. Có 17 biện pháp như vậy. Có thể kể ra vài biện pháp: Kê biên tài sản; cấm dịch chuyển tài sản; cấm thay đổi hiện trạng tài sản ( như mua bán, tặng cho khi đang tranh chấp ); bán tài sản; phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ; phong tỏa tài khoản tại ngân hàng.
          Gân đây, xuất hiện các vụ án hình sự kiểu Tân Hoàng Minh: 7000 người mua 8000 tỷ trái phiếu của tập đoàn. Sau đó, chủ tịch tập đoàn và giám đốc, hai bố con, bị quy là lừa đảo. Rất có thể 8000 tỷ đồng đã chuyển hóa thành các dự án bất động sản, khoản đầu tư, tài sản riêng các thành viên tập đoàn. Những thứ này lại có giá trị hàng nghìn tỷ. 7000 nạn nhân chỉ có thể trông vào việc xử lý tài sản của tập đoàn và gia đình.
7000 nạn nhân Tân Hoàng Minh chắc chắn là những người tranh chấp tài sản với tập đoàn này. Là vì họ chỉ mong tập đoàn “ moi ruột “ – tức xoay đâu đó một khoản tiền – để trả họ. Tuy vậy, nếu so với việc giải quyết vụ án dân sự, trong vụ kiểu Tân Hoàng Minh, pháp luật khá thiếu quy định để đảm bảo tiền có thể được trả nạn nhân.
          Thực tế, Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định hai biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng. Đó là: Kê biên tài sản và phong tỏa tài khoản. Thực tế trong những vụ có thể phải bồi thường tiền cho người bị lừa như Tân Hoàng Minh, hai biện pháp này cũng ít được áp dụng. Bản án của tòa án chỉ tuyên số năm tù, không thấy câu: Tiếp tục kê biên tài sản bị cáo để đảm bảo bồi thường cho người bị hại.
          Vấn đề là những biện pháp rất hữu hiệu có thể áp dụng cho những vụ kiểu Tân Hoàng Minh không? Ngoài kê biên, phong tỏa tài khoản, tại sao cấm dịch chuyển tài sản, cấm mua bán tặng cho, bán một phần tài sản trả cho người bị hại, phong tỏa tài sản của vợ, con, bồ nhí… không bao giờ được tính đến? Có phải luật cấm những biện pháp này?
          Theo người viết, luật chắc chắn không cấm. Chí ít thì chưa có ai thử yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, tòa án cho áp dụng những biện pháp như vậy. Trong một vụ hình sự, luôn tồn tại thêm một vụ dân sự. Công an, kiểm sát, tòa phải giải quyết thỏa đáng việc bồi thường thiệt hại.              Chính vì vậy, ngoài nạn nhân và thủ phạm, trong vụ hình sự còn có cả nguyên đơn, bị đơn, người có quyền nghĩa vụ liên quan. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giải quyết vụ dân sự trong vụ hình sự sẽ triệt để hơn việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, vốn dĩ ít về số lượng. Nếu nó được áp dụng, cơ hội người mất tiền lấy lại tiền từ kẻ lừa đảo lớn hơn nhiều.
           Vậy, người bị mất tiền trong các vụ án hình sự hãy thử cơ hội để các biện pháp khẩn cấp tạm thời hữu hiệu được áp dụng. Nên thử làm:
1/Xác định người bị hại có quyền đương nhiên là lấy lại tiền. Chủ động yêu cầu cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, tòa án xác minh tài sản, áp dụng các biện pháp như kê biên, phong tỏa tài sản, cấm chuyển nhượng, bán một phần tài sản khắc phục thiệt hại...
2/Coi như mình đang tham gia phiên tòa dân sự. Các yêu cầu cần rõ ràng, cụ thể, có chứng cứ ủng hộ.
3/Nên tập hợp thành nhóm người bị hại, có người đại diện ủy quyền của nhóm để thống nhất ý chí, làm việc trước pháp luật và với phía bị cáo. Yêu cầu cơ quan pháp luật phải có văn bản trả lời về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được đề nghị.
4/Yêu cầu liên tục, từ giai đoạn điều tra ở công an, đến giai đoạn lập cáo trạng ở Viện Kiểm sát và giai đoạn xét xử ở tòa án. Đặc biệt phải yêu cầu khi vụ án chuyển lên tòa và có thẩm phán được phân công xử, vì tòa quen với việc xử lý các yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời về dân sự hơn là công an, viện.