HÌNH SỰ:CÓ NÊN TẠI NGOẠI KHÔNG? -Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
Không chắc lúc nào tại ngoại cũng tốt
Một người bị điều tra có thể bị tạm giam. Điều kiện trại tạm giam có thể khiến người đó, người nhà họ nỗ lực để người đó tại ngoại. “ Tại ngoại “ là từ mà người ta thường nói, để thay cho cụm từ “ thay đổi biện pháp ngăn chặn “, cụ thể là thay đổi từ tạm giam thành cấm đi khỏi nơi cư trú. Tạm giam được nói ở điều 119 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Một người sẽ bị tạm giam nếu người đó phạm tội có thể bị từ 07 năm tù trở lên, hoặc tội 02 năm tù trở lên nhưng người đó không có nơi cư trú rõ ràng, có thể tiếp tục phạm tội, làm giả chứng cứ, đe dọa người làm chứng hay bị hại…, hoặc bỏ trốn, bị bắt theo lệnh truy nã. Người già yếu, người đang bị bệnh nặng có nơi cư trú rõ ràng, phụ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi cơ bản không bị tạm giam. Cấm đi khỏi nơi cư trú, hay tại ngoại, được áp dụng trong các trường hợp không phải bị tạm giam. Nếu một người bị tạm giam muốn tại ngoại thì phải có một tổ chức ( công ty, cơ quan người đó làm việc ) hoặc cá nhân đứng ra bảo lĩnh. Nếu tổ chức bảo lĩnh thì người đứng đầu cơ quan tổ chức phải kí giấy bảo lĩnh, với cam đoan không để người đó phạm tội. Nếu là cá nhân bảo lĩnh thì phải đáp ứng một số tiêu chí: Đủ 18 tuổi, có nhân thân tốt, thu nhập ổn định, nơi cư trú rõ ràng và phải có xác nhận của địa phương nơi cá nhân bảo lĩnh sinh sống. Tổ chức, cá nhân bảo lĩnh phải đảm bảo người được bảo lĩnh có mặt khi cơ quan pháp luật làm việc. Thực tế là việc vận dụng các quy định pháp luật để cho một người được tại ngoại là khá linh hoạt. Người viết bài đã thấy những người được tại ngoại nhưng sau đó vẫn bị trên 07 năm tù. Hoặc thậm chí là thẩm phán chủ tọa hoãn phiên tòa, rời ngày xét xử sang ngày khác, đồng thời cho phép bị cáo tại ngoại để kiếm tiền bồi thường bị hại. Sau hai tuần, bị cáo không kiếm được đồng nào, thẩm phán ra lệnh tạm giam trở lại, bốn ngày sau thì vụ án được đưa ra xử và bị cáo lĩnh án giam. Rồi thì việc chạy tại ngoại cũng được đồn thổi, kiểu phải mất 200 ( triệu ) để tại ngoại. Những người xưng có thể lo tại ngoại cũng có thể liên lạc với người nhà bị can. Có thể là người vừa bị tạm giam, có thể là luật sư, hoặc người nào đó quen biết cơ quan pháp luật. Nếu ai đó đặt vấn đề tại ngoại, đặc biệt trong trường hợp phải mất tiền, người nhà người bị tạm giam nên suy tính. Một số chia sẻ: 1/Nếu người nhà người bị tạm giam không nghe nói gì đến vấn đề tiền bạc, rất nên thử các cơ hội để được tại ngoại. Thời điểm nên thử là thời điểm kết thúc một lệnh tạm giam ( có thể là 02 tháng kể từ ngày tạm giam ). Luật sư sẽ hướng dẫn để đáp ứng các giấy tờ, thủ tục để một người được tại ngoại. 2/Nếu ai đó nói về việc chạy tiền để được tại ngoại, đơn giản nên xem người đề nghị là ai. Đồng thời, tự xác định tại ngoại để làm gì? Nếu người nhà người bị tạm giam có điều kiện kinh tế thì không nói làm gì. Tại ngoại đơn giản là để tận hưởng cuộc sống. Nhưng nếu phải vay mượn hay vét sạch tiền tiết kiệm, bán nhà bán đất, thì phải xem nên tốn chừng đó tiền chỉ để ra ngoài hưởng chút tự do không? 3/Hãy tham khảo một luật sư xem mức án có thể là bao nhiêu. Nếu luật sư nói có cơ sở để hưởng án treo thì nên xin cho tại ngoại. Nếu mức án có thể từ 07 năm tù thì thôi, không cần nghĩ đến tại ngoại. 4/Nếu tại ngoại là để thu xếp việc làm ăn, kinh doanh, gia đình mà không thể thiếu sự có mặt của người bị tạm giam thì nên làm các thủ tục xin tại ngoại. Tất nhiên phải so sánh tại ngoại giải quyết được gì? Cái được có đủ bù cái mất không? Cũng nên xin tại ngoại nếu trong thời gian tại ngoại có thể xoay xở tiền để bồi thường người bị hại, từ đó đề nghị giảm án.