-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
Sẽ có các bị cáo đứng đây gặp rắc rối vì chạy án
Vụ án chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam về nước do đại dịch COVID đang được tòa Hà Nội xử. Trong 54 bị cáo, người viết thấy trường hợp bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, giám đốc Công ty Du lịch Bầu Trời Xanh bị quy tội đưa hối lộ thật đáng để nói. Bà Hằng bị khởi tố ngày 15/03/2023 cùng 8 người khác. Người viết không có cáo trạng trong tay, chỉ xem qua báo chí. Người viết đoán rằng bà Hằng liên quan đến việc thu tiền giải cứu người Việt Nam ở Malaysia. Từ bà Hằng lộ ra hai sĩ quan công an, một là thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, từng là Phó Giám đốc Công an Hà Nội và hai là Hoàng Văn Hưng, nguyên trưởng Phòng Điều tra Cục An ninh Điều tra Bộ Công an. Như báo đài nói thì hai người nhận của bà Hằng 2,65 triệu USD để chạy án, khả năng để bà Hằng không bị xử lý hình sự. Con số 2,65 triệu USD khiến người viết giật mình…Bà bị đề nghị 10 – 11 năm tù, một phần là chính do việc chạy án này. Giả sử bà không chạy án, mức án có thể chỉ 5 – 6 năm. Bà chỉ phải đi 3 – 4 năm, còn lại là giảm án, đặc xá, tha tù… Vậy 3 – 4 năm bên ngoài, một người quản lý một công ty du lịch tầm tầm có kiếm nổi 2,65 triệu USD, khoảng 67 tỷ đồng không? Có điều là nên thông cảm cho bà. Một phần khi bị điều tra, bà đã quá sợ. Phần nữa, giống đa số người Việt Nam ( tiếc là đúng vậy ), cứ bị điều tra là nghĩ đến chạy án. Bà lại có quan hệ với Phó Giám đốc Công an thành phố, đương nhiên nghĩ rằng ông này có thể “ đánh bong “ – tức là gây ảnh hưởng để người ta không điều tra bà. Đã chơi với quan nhân tầm đó, cộng với yêu cầu khó như vậy, tất nhiên tiền chạy chọt không thể nhỏ. Cái giá 2,65 triệu USD khiến người ta sốc quá. Đúng là kiếm tiền ở Việt Nam mà tiêu tiền như bên Mỹ. Ở “ bển “, người có 2,5 triệu USD đã thuộc 1% số người giàu nhất nước. Chuyện một người không biết cách chạy, tiền vẫn mất, tù vẫn tù người viết nghe nhiều. Bà Hằng đau hơn. Chạy chọt cả đống tiền, nhưng lại bị quy thêm tội vì chính việc chạy chọt đó. Chẳng thà chấp nhận bị tuyên án, rồi đem tiền đó mà khắc phục hậu quả thì mọi việc nhẹ đi nhiều lắm. Vậy, từ câu chuyện bà Hằng, người định chạy án nên làm gì để không mất tiền oan? Có vài chia sẻ sau: 1/Cần phải hiểu người ta quy mình tội gì. Có thể yêu cầu điều tra viên giải thích. Đối chiếu với những gì mình đã làm. Nếu vụ việc liên quan đến nhiều người, kể cả thừa nhận cái công an tìm ra nhưng luật sư sẽ giúp lý giải cách khác. 2/Nếu còn vương vấn hai chữ “ chạy án “, nên hiểu cò chạy án rất đông, gồm cả đám quan nhân, công an. Đa số cầm tiền không làm gì. Chỉ cần kiểm tra cò, nếu chạy thì chạy ai, ở đâu, cách chạy, lái vụ việc thế nào để nhẹ đi hay không có tội… là đã ra kết quả. Nếu có luật sư, chỉ cần luật sư nghe qua đã biết cò chạy án có lừa đảo không. 3/Chẳng ai đưa cho chủ thầu toàn bộ số tiền xây nhà ngay từ đầu. Khi xây nhà người ta vẫn phải xem chủ thầu làm được không nếu cần thì thay người khác. Có lẽ chỉ cần nói đến đây. 4/Nên nhớ số người tham gia giải quyết một vụ án ở phía nhà nước rất đông. Rất nhiều điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm nhân dân. Những người này đều đủ trình độ để biết vụ án họ tham gia có bị ai đó tác động không. Người cầm tiền để điều chỉnh vụ án có lợi hoàn toàn có thể bị tố cáo từ chính đội ngũ. Cơ hội đổ bể đủ lớn để bạn tự xác định nên xuống tiền không. 5/Khi chạy án, bạn tham gia cuộc chơi mà hậu quả bạn có thể mất tiền. Bạn tố lại ai đó cầm tiền bạn không làm gì không cứu được bạn mà có thể làm cho bạn thêm rắc rối. Chấp nhận mất tiền mà không kiện cáo.