HÌNH SỰ:CÁCH YÊU CẦU TÒA NHẬN ĐỊNH VỀ LỜI BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG BẢN ÁN

HÌNH SỰ:CÁCH YÊU CẦU TÒA NHẬN ĐỊNH VỀ LỜI BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG BẢN ÁN
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Luật sư biết cách để lời bào chữa của bị cáo được công nhận
    Luật sư biết cách để lời bào chữa của bị cáo được công nhận
     Bản án hình sự có mấy phần: Phần “ Nhận thấy “: Nói lại cáo trạng của Viện Kiểm sát về việc bị cáo đã làm; Phần “ Xét thấy “: Đưa ra nhận định của tòa; Phần “ Quyết định “: Tuyên một mức án, mức bồi thường. Nếu vụ án có luật sư tham gia, bản án có thể viết thêm một đoạn, mở đầu bằng “ Tại phiên tòa ngày hôm nay, kiểm sát viên giữ quyền công tố trình bày… “, “ luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo trình bày …” và nêu quan điểm buộc tội của kiểm sát viên, quan điểm của luật sư các bên, quan điểm của bị cáo, người bị hại… Bị cáo hay luật sư có thể bào chữa bằng cách nêu các loại quan điểm:
-Trực tiếp chỉ ra chứng cứ ngoại phạm.
-Chỉ ra việc áp dụng tội danh, hay khung hình phạt của kiểm sát viên là chưa chuẩn xác.
-Chỉ ra bất cập trong việc điều tra, thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến việc không thể buộc tội.
-Xác định lại chi tiết vụ án có đúng như cáo trạng mô tả không? Nếu không đúng trình bày lại theo hướng có lợi cho mình. Nếu đúng thì giải thích điều kiện, hoàn cảnh dẫn đến quyết định thực hiện việc đó.
-Nêu tình tiết giảm nhẹ. Trình bày hoàn cảnh bản thân, gia cảnh, vấn đề sức khỏe, thành tích đã đạt được, huân huy chương của gia đình…
     Vấn đề là ở chỗ: Bản án của tòa thường thiếu nhận định về các lời bào chữa này, không nói rõ chấp nhận quan điểm nào, bác bỏ quan điểm nào.
     Việc không nhận định như vậy có thể có nguyên nhân:
-Phần lớn nội dung án được đánh máy sẵn. Ra tòa, thẩm phán chỉ nghe các bên tranh luận rồi định ra một mức án, đánh nốt phần tuyên án vào bản án.
-Bị cáo nói quá dài, không liên quan đến vụ án, không thể đưa vào bản án.
-Việc nghe hiểu không dễ dàng.
     Việc không nhận định có thể có mấy tác hại:
-Bị cáo cảm thấy không tâm phục khẩu phục.
-Tòa sơ thẩm không chịu bộc lộ cách nhìn nhận, luật sư bào chữa, tòa cấp phúc thẩm khó khăn trong việc tìm ra, đánh giá sai lầm thật sự của án sơ thẩm.
     Để tòa có thể đưa ra nhận định về những lời bào chữa mà bị cáo đã nêu, bị cáo nên làm gì?
1)Trước tiên phải có lời bào chữa đó: Với bị cáo, nên xác định xem cáo trạng chuẩn chưa? Nếu đúng thì giải thích tại sao làm vậy? Nếu chưa thì nói lại cho đúng? Nêu quan điểm về kết quả giám định, về xác định thiệt hại, về vật chứng…Trình bày thêm về nhân thân, gia cảnh, sức khỏe của mình…
2)Trình bày lời bào chữa kiểu ngắn gọn, lặp đi lặp lại kiểu “ Tôi xin trình bày là… Tóm lại tôi muốn nói là…”
3)Bác bỏ quan điểm buộc tội của Viện Kiểm sát cũng là cơ hội nhắc lại quan điểm của mình.
4)Yêu cầu tòa cho ý kiến về lời bào chữa của mình và ghi vào bản án. Cụ thể yêu cầu tòa nói rõ chấp nhận quan điểm nào, bác bỏ quan điểm nào và lý do. Yêu cầu công khai bản án.