HÌNH SỰ: CÁCH TRÁNH TỰ KHAI CÁI BẤT LỢI

HÌNH SỰ: CÁCH TRÁNH TỰ KHAI CÁI BẤT LỢI
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
    Nên luôn có luật sư để trao đổi cách khai có lợi nhất
    Nên luôn có luật sư để trao đổi cách khai có lợi nhất
            Trong một vụ điều tra, bị can khai có lợi cho mình thì ít, khai bất lợi thì nhiều. Vậy, lời khai bất lợi là như thế nào? Theo người viết, có hai dạng lời khai bất lợi: Lời khai bất lợi cho chính mình và lời khai bất lợi cho người khác. Lời khai bất lợi cho chính mình là lời khai mình đã làm gì, ví dụ đã lấy tài sản, tiêu thụ tài sản, phi tang tang vật… Lời khai bất lợi cho người khác là lời khai người khác đã làm gì cùng mình trong vụ phạm pháp, ví dụ canh chừng, cất giữ tài sản, tìm mối tiêu thụ… Hai loại lời khai này đều làm xấu tình trạng pháp lý của bị can. Trên cơ sở lời khai, công an tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố chứng cứ để tòa có thể tuyên án thành công.
            Nguyên nhân dẫn đến lời khai bất lợi là bị can đã thực sự làm cái việc được cho là phạm pháp: Có lấy tài sản, có đánh người, có phóng nhanh vượt ẩu… Có rất ít vụ oan sai, kiểu như không làm gì vẫn bị quy tội. Nguyên nhân nữa là công an, vốn được đào tạo tốt và đầy kinh nghiệm, có thể xác định được nghi can và cách làm việc.  Bên cạnh đó là nguyên nhân thuộc chủ quan bị can, họ không có thông tin cụ thể về vụ án, tâm lý chấp nhận buông bỏ, bị dẫn dụ mất phương hướng…
            Luật định thì bị can có quyền từ chối khai những cái có thể dùng để buộc tội mình. Nếu cái bất lợi gồm loại lời khai cho chính mình và loại lời khai cho người khác thì bị can có thể từ chối khai tất cả những gì thuộc về vụ án. Nói cách khác, trước mặt công an, bị can có thể không nói gì.
            Tuy vậy, hiếm có bị can nào dám không nói gì khi công an hỏi. Có lẽ chỉ có bị can duy nhất là Trương Hồ Phương Nga trong vụ đại gia tố cáo lừa đảo. Tất cả kỹ thuật hỏi cung của công an được xây dựng trên giả định điều tra viên hỏi – bị can trả lời. Trong vụ Trương Hồ Phương Nga, bị can không trả lời nên điều tra viên không có gì để hỏi.
            Vậy, bị can nên làm cách nào để tránh lời khai bất lợi? Trước tiên bị can nên hiểu tình thế pháp lý của mình. Bị can có thể bị bắt quả tang. Đại loại là bị can có thể vừa giật đồ và bị bắt, hoặc đang mang trong mình ma túy, hoặc trong nhà chứa đồ gian… Việc làm của bị can khá rõ ràng. Bị can có thể khai báo đầy đủ việc mình làm, nên nhớ là chỉ trong thời điểm thực hiện việc đó và bị bắt. Những lời khai khác, về vụ việc khác, có thể coi là bất lợi và bị can không cần khai.
            Đối với những việc không phải là quả tang, hoặc chưa rõ ràng thì sao? Bị can cần yêu cầu điều tra viên đọc và giải thích điều luật có thể áp dụng trong trường hợp của mình. Từ đó, bị can biết được công an phải làm những gì để tòa kết được tội bị can. Bị can hoàn toàn có thể nói với điều tra viên: Không khai những cái mình đã làm, không khai cho bị can khác, hoặc không khai nếu chưa gặp riêng luật sư.
            Một số chia sẻ với người bị triệu tập, bị can để tránh khai cái bất lợi:
1/Khi bị công an triệu tập, nên hỏi rõ lý do. Yêu cầu công an giải thích điều luật có thể áp dụng. Ngoài ra, yêu cầu giải thích quyền của mình.
2/Công an có thể yêu cầu người bị triệu tập, bị can viết bản tường trình, hoặc trực tiếp lấy cung. Luật cho phép từ chối khai cái mình đã làm, cái người khác làm mà mình biết.
3/Người bị triệu tập, bị can có thể bị giữ ở trụ sở công an hoặc tạm giữ trong nhà tạm giữ công an quận, huyện. Họ có thể gọi một cú điện thoại. Hãy yêu cầu người nhà tìm một luật sư và nói với công an sẽ không khai nếu không có luật sư.
4/Cùng luật sư đánh giá tình thế để hình thành phương án cải thiện tình trạng pháp lý.
5/Khi đã trót khai cái bất lợi, hoàn toàn có thể tuyên bố từ bỏ lời khai này, yêu cầu lấy lời khai lại.