HÌNH SỰ: CÁCH LÀM GIẢM TỘI KHI TỘI DANH ĐÃ RÕ RÀNG
HÌNH SỰ: CÁCH LÀM GIẢM TỘI KHI TỘI DANH ĐÃ RÕ RÀNG
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
-
Căng thẳng tại tòa không giúp ích gì
-Bị cáo thường hành động đơn giản. Ở cấp quận, huyện, thường không có các vụ phạm tội rồi ngụy tạo chứng cứ, nhận tội thay, có chỉ huy điều hành...
-Điều tra viên phá án nhanh chóng. Các chứng cứ buộc tội mau chóng được tìm ra, người phạm tội cũng mau chóng nhận tội.
-Việt Nam không phải nước coi trọng thủ tục điều tra. Thực tế việc kết tội vẫn dựa nhiều vào lời khai, các vụ án có khiếm khuyết trong giám định, định giá vẫn có thể được tòa khắc phục.
Khi mọi cái rõ ràng, bị cáo không nên căng tại tòa làm gì. Nhưng bị cáo vẫn cứ căng thẳng, hoặc có những hành xử không nên có, ví dụ khai báo lòng vòng, cãi nhau tay đôi với Viện Kiểm sát, kể cả với tòa, rồi với người bị hại...Có nhiều lý do cho việc này: Thường thì bị cáo ít, hoặc lần đầu ra tòa, không quen không khí phiên tòa, không chịu được các cáo buộc trực diện của Viện Kiểm sát; Bị cáo không hiểu câu hỏi, không hiểu tình thế, không thể kiềm chế bỏ qua, không có luật sư nên không được bày cho cách trả lời; Tâm lý chung của người ta không dễ nhận sai, thường tìm cách lý giải, bao biện cho sự sai trái...
Việc căng thẳng tại tòa khiến bị cáo nếm trái đắng. Bị cáo có thể không được hưởng một tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, như vậy mức án có thể nặng hơn. Đại diện Viện Kiểm sát có thể đề xuất một mức án bất lợi. Họ thường chuẩn bị một “ khoảng “, nếu mọi việc hanh thông, họ có thể đề xuất mức án thấp nhất hoặc dưới cả mức thấp nhất, còn nếu không, họ sẽ làm ngược lại. Luật cho phép cá nhân họ lựa chọn như vậy. Và từ mức đề xuất bất lợi, tòa cũng có thể chọn một mức án bất lợi. Dù sao, thẩm phán cũng chỉ là con người, mà con người thường có các quyết định cảm tính. Sẽ rất không hay nếu bạn làm cho người quyết định số phận của mình tự ái.
Tóm lại, với các vụ án rõ ràng, cái mà bị cáo nên làm là gì?
1.Bình tĩnh, chấp nhận thực tế là mình đã sai rõ ràng. Vấn đề là không gây phản cảm tại tòa.
2.Khi được hỏi về việc làm sai trái, trình bày giống cáo trạng. Lí giải hoàn cảnh bức xúc nào khiến mình làm như vậy.
3.Trình bày gia cảnh khó khăn, khó khăn bản thân... nếu có.
4.Tỏ ra hối tiếc việc đã làm. Nói rõ nỗ lực khắc phục hậu quả, hoặc hứa khắc phục hậu quả. Cam đoan cải tạo tốt. Cảm ơn thẩm phán đã xem xét.
Share :