HÌNH SỰ: CÁCH GIẢM NHẸ TỘI TRONG NHỮNG VỤ ÁN RÕ RÀNG

HÌNH SỰ: CÁCH GIẢM NHẸ TỘI TRONG NHỮNG VỤ ÁN RÕ RÀNG
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
          Trong các phiên tòa, sau khi vị đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố đọc xong cáo trạng – một văn bản truy tố bị cáo trước tòa – thẩm phán chủ tọa thường hỏi lại bị cáo:” Có nghe rõ cáo trạng không? “ và “ Cáo trạng có truy tố đúng người đúng tội không? “. Với câu hỏi thứ hai, các bị cáo thường trả lời: Thưa quí Tòa, đúng ạ! Sở dĩ có câu trả lời như vậy xuất phát từ đặc trưng một vụ án hình sự. Vụ án hình sự, nhất là vụ án ở cấp tòa sơ thẩm quận, huyện xử, thường khá đơn giản. Mọi thứ rõ ràng. Ngay từ đầu, chính xác là trong 9 ngày đầu khi bị can còn đang bị tạm giữ, công an đã kịp lấy các lời khai cần thiết để có thể buộc tội bị cáo sau này. Các hoạt động điều tra sau này, như giám định, thực nghiệm, đối chất… cơ bản nhằm để củng cố nhận định ban đầu của công an.
          Đối với những vụ như vậy, bị can bị cáo thường là nên thuật lại đúng nhưng cái mình làm, mà cũng là cái được cáo trạng mô tả. Tuy vậy, đó cũng là cái dùng để buộc tội bị can bị cáo. Trong khi đó, việc chính của bị can bị cáo, khi còn trong nhà tạm giữ hay đứng trước tòa, đều là cải thiện tình trạng pháp lý của mình. Nói cách khác là làm thế nào để tòa tuyên càng nhẹ càng tốt.
          Vậy, để được tòa tuyên càng nhẹ càng tốt, bị can bị cáo nên làm gì? Trước tiên nên hiểu những gì được tòa án dùng để quyết định hình phạt nặng hay nhẹ. Nó gồm nhiều thứ, nhưng đáng kể là hành vi bị cáo – những thứ mà bị cáo đã làm đồng thời là những thứ mà cáo trạng viết ra; động cơ – cái đã khiến bị cáo làm vậy; mục đích – bị cáo làm vậy để đạt được cái gì? – những thứ này thường không được cáo trạng mô tả; nhân thân – lý lịch bị cáo, gồm cả thành tích của bị cáo và một số người trong gia đình, kể cả ông, bà, cô, bác… - cũng không được viết vào cáo trạng. Một số vụ án, việc nêu thêm những thứ như thành tích học tập, công tác của bị cáo, kể cả việc đi hiến máu nhân đạo, rồi huân huy chương của ông, bà, danh hiệu liệt sĩ của chú, bác… quyết định việc bị cáo có được tại ngoại không.
         
Cần biết cách khai báo để được nhẹ tội
Cần biết cách khai báo để được nhẹ tội
Một số chia sẻ về việc bị can, bị cáo nên khai gì, yêu cầu gì khi vụ việc đã rõ ràng:
1/Với vụ án đã rõ ràng, nghĩa là về hành vi không có gì bàn cãi. Tuy nhiên, bị can bị cáo hoàn toàn có thể đề nghị cơ quan công an, Viện Kiểm sát hay tòa án xem xét lại về cách đánh giá hậu quả. Đưa ra các thông tin mà mình biết chỉ ra hậu quả không nghiêm trọng như vậy.
2/Hồ sơ vụ án, kết luật điều tra, cáo trạng thường ít hoặc không nói về động cơ – cái thúc đẩy bị can làm việc đó. Nếu có thì thường theo hướng buộc tội, như là vì vụ lợi, vì thù hằn cá nhân. Bị can bị cáo nên viết tự khai, hoặc khai trước tòa những nội dung về động cơ, nhưng phải theo hướng có lợi. Ví dụ: Khi thực hiện hành vi mua bán xe máy ăn cắp, có thể nói: Tôi nhất thời không suy nghĩ, thấy nhiều người làm vậy mà ngoài đường cũng rất nhiều xe máy không giấy tờ vẫn chạy…
3/Mục đích – cái mà bị can mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi cũng ít được đề cập trong cáo trạng, hoặc có thì cũng theo hướng tiêu cực, như là chiếm đoạt tài sản, khống chế nạn nhân. Bị can bị cáo nên khai về mục đích, nhưng cũng phải theo hướng có lợi. Ví dụ có thể nói về mục đích ban đầu khi thực hiện hành vi, như là hành vi gây thương tích chẳng hạn, có thể nói ban đầu tôi chỉ muốn ngăn chặn nạn nhân đừng manh động, sau đó mọi việc quá nhanh không thể kiểm soát…
4/Bị can bị cáo cũng có thể nói về hoàn cảnh, như là kinh tế khó khăn, áp lực tài chính, muốn tạo công ăn việc làm cho nhân viên… Cũng nên đề cập đến sự hối tiếc cá nhân, hứa hẹn tuân thủ nghiêm pháp luật, coi cái xảy ra như bài học, hoặc kế hoạch khắc phục hậu quả trong tương lai…
5/Nên nhớ, trong các vụ việc mà hành vi đã rõ ràng, không có gì để tranh cãi thì việc đếm tình tiết giảm nhẹ rất quan trọng. Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát cũng đề nghị áp dụng một số tình tiết giảm nhẹ, nhưng nếu muốn xử nhẹ, bị cáo phải kể ra số tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn Viện Kiểm sát. Thu thập tình tiết giảm nhẹ, nêu tình tiết giảm nhẹ vào lúc nào là việc của luật sư bị cáo.