HÌNH SỰ:CÁCH ĐỂ NGƯỜI BỊ HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG THỎA ĐÁNG

HÌNH SỰ:CÁCH ĐỂ NGƯỜI BỊ HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG THỎA ĐÁNG
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Người bị hại nên có luật sư dẫn dắt để được bồi thường thỏa đáng trong vụ án hình sự
    Người bị hại nên có luật sư dẫn dắt để được bồi thường thỏa đáng trong vụ án hình sự
     Trong một vụ án hình sự, tòa xem xét cả trách nhiệm dân sự. Thực chất tòa xử thêm một vụ kiện. Khi tuyên phạt, một bị cáo ngoài việc bị một số năm tù, còn phải bồi thường bao nhiêu tiền cho người bị hại. Tuy vậy, vấn đề dân sự ít được chú ý. Người bị hại chỉ nỗ lực chứng minh thiệt hại trực tiếp nhất: Tiền viện phí, thuốc men, tài sản mất đi… Các thiệt hại kéo theo hay bị bỏ quên. Mặt khác, chưa chắc họ đã biết tận dụng vấn đề bồi thường để làm lợi cho mình. Lý do giải thích cho điều này có thể là: Cho rằng của đi thay người nên quên chuyện không may đi; đã bị thiệt hại về tài sản hay sức khỏe nay phải đi thu thập giấy tờ lặt vặt chứng minh thiệt hại thì thật ngại; chờ đợi pháp luật sẽ xử lý đâu vào đấy; chờ đợi thủ phạm lên tiếng trước; rồi cả ý nghĩ cho rằng tìm được tài sản, được bồi thường phải mất cho công an một nửa…
     Người bị hại nên hiểu: Bị cáo rất có lợi nếu được người bị hại xin tòa xử nhẹ, mà điều này chỉ xảy ra khi trách nhiệm dân sự được xử lý thỏa đáng. Bị cáo cũng sẽ được xem xét giảm án tha tù trước thời hạn nếu giải quyết ổn vấn đề bồi thường. Tóm lại, bị cáo sẽ chịu mức án nhẹ nếu bồi thường đầy đủ hoặc được người bị hại miễn cho việc bồi thường.
     Vì vậy, người bị hại nên giải quyết thỏa đáng vấn đề bồi thường thiệt hại. Để có thể làm tốt việc này, người bị hại nên:
1-Tập hợp đầy đủ hóa đơn, chứng từ, toa thuốc, chi phí chăm sóc, xác định giá trị tài sản mất đi, thiết lập các giao dịch hợp pháp hóa… Tổng hợp thành thống kê thiệt hại. Nếu có thể thì chỉ nộp bản phô tô có đối chiếu cho cơ quan công an. Liệt kê cả những chi phí khác, như là chi phí của người chăm sóc, tiền lương, thu nhập mất đi…
2-Chủ động tìm cách liên lạc với phía bị cáo. Đề xuất khoản bồi thường. Nên nhớ bị cáo có lợi nếu có đơn xin xử nhẹ và xác nhận đã nhận bồi thường, nên không có vấn đề gì khi đề xuất một con số bồi thường và hỗ trợ cao hơn mức thực. Nên có luật sư của bạn làm việc này.
3-Trong trường hợp tại giai đoạn điều tra mà không nhận được khoản bồi thường thỏa đáng thì hãy tiếp tục yêu cầu mức bồi thường ở các giai đoạn tiếp theo. Ra tòa để đưa ra yêu cầu bồi thường, giống như tham gia một phiên tòa dân sự.
4-Chắc chắn có số liên lạc của người nhà bị cáo. Người bị hại có thể tiếp tục đưa ra yêu cầu bồi thường sau khi bị cáo có án. Nếu được giải quyết ổn thỏa thì bị cáo sẽ được giảm án tha tù trước hạn.
5-Có thái độ phù hợp khi làm những việc trên. Người bị hại không xin xỏ ai, cũng không cần trả thù người đã gây ra bất hạnh cho mình. Xác định đang làm việc với người nhà bị cáo, những người có thể trả tiền và không liên quan gì đến vụ việc. Ngôn từ nên đúng mực.