HÌNH SỰ: CÁCH ĐỂ KHÔNG KHAI NHỮNG CÁI CÓ THỂ BUỘC TỘI CHÍNH MÌNH
01-05-2020 23:18
HÌNH SỰ: CÁCH ĐỂ KHÔNG KHAI NHỮNG CÁI CÓ THỂ BUỘC TỘI CHÍNH MÌNH -Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội.
Có thể thực hành quyền im lặng để tránh làm trọng trọng thêm vị thế pháp lý của bị can
Chúng tôi luôn khẳng định: Quyền im lặng đã được đưa vào luật Việt Nam. Luật định thì một người, ngay từ khi bị tạm giữ, đã không bị buộc phải khai những gì chống lại mình, hay là nhận mình có tội. Trong suốt quá trình làm việc với điều tra viên, kiểm sát viên, bị can vẫn có quyền này. Trong một bài viết trước đây, chúng tôi đã nói: Việc “ thành khẩn “, tức là khai mọi cái mình đã làm, chưa hẳn tốt cho bị can. Lý do: Người ta có thể dựa vào chính lời khai đó, củng cố hồ sơ, buộc tội chính những người “ thành khẩn “. Cơ quan công an, Viện Kiểm sát có chỉ tiêu buộc tội hàng năm. Khi việc chứng minh tội phạm đang khó khăn, việc bị can “ thành khẩn “ đã trao cho người buộc tội cơ hội để hoàn thành tốt công việc của mình. Việc của bị can là cải thiện tình trạng pháp lý, tự bảo vệ mình, và, phải nói thẳng ra, bằng mọi cách ngăn chặn việc buộc tội. Bị can không liên quan tới việc ai đó được khen thưởng. Để làm việc này, một câu hỏi đặt ra: Bị can có quyền từ chối trả lời câu hỏi của điều tra viên không? Khi làm như vậy, hậu quả là gì? Với câu hỏi bị can có quyền từ chối trả lời điều tra viên không? Đối chiếu với Bộ luật Hình sự 2015, chúng tôi thấy có tội “ Từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá hoặc từ chối cung cấp tài liệu “ điều 383 chỉ áp dụng với người làm chứng, người giám định, người định giá, dịch thuật. Người bị tạm giữ, bị can không bị áp dụng điều này. Trên thực tế, vụ Trương Hồ Phương Nga bị quy tội lừa đảo cách đây vài năm, Trương Hồ Phương Nga không khai gì tại các buổi hỏi cung. Cô ta không bị quy tội từ chối khai báo. Trong số các tình tiết tăng nặng của Bộ luật Hình sự cũng không hề có tình tiết không khai báo. Vậy, câu trả lời cho câu hỏi là bị can có quyền từ chối trả lời điều tra viên không là: Có. Về câu hỏi việc làm này có hậu quả gì? Câu trả lời là: Theo luật định, việc làm này không làm trầm trọng tình trạng pháp lý của bị can. Bị can không bị quy thêm tội, không bị tăng nặng. Vậy có nên từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của điều tra viên không? Chúng tôi tránh trả lời trực tiếp. Dựa vào kinh nghiệm hành nghề, chúng tôi đưa ra một số dạng vụ việc, từ đó người đọc có câu trả lời cho riêng mình. Theo chúng tôi, có 02 hai loại vụ việc. Loại 1: Vụ việc khi xảy ra có nhiều người biết, có nhiều đồng phạm, nhiều người bị hại, nhiều người làm chứng. Ví dụ: Hành hung nơi công cộng, đánh bạc...Loại 2: Vụ việc khi xảy ra không có người biết. Ví dụ: Trộm cắp trót lọt, tham ô kiểu người của cây xăng mỗi ngày lấy một ít xăng đem bán... Với loại việc thứ nhất, chúng tôi cho rằng điều tra viên không quá cần lời khai nhận tội của bị can. Dựa vào lời khai của các đồng phạm, người làm chứng, người bị hại, vật chứng thu được, người ta có thể kết luận về hành vi một bị can, kể cả anh/chị ta phủ nhận. Với loại việc thứ hai, lời khai nhận tội của bị can rất quan trọng. Nó mở ra các hướng điều tra để kết tội chính người “ thành khẩn “. Bị can có thể vừa thuộc loại 1, vừa thuộc loại 2. Ví dụ: Người trộm cắp bị bắt quả tang, thời điểm bị bắt quả tang người này thuộc loại 1, nếu trước đó người này trộm cắp nhiều lần, người này thuộc loại 2. Với người này, nếu chỉ khai nhận những việc đã làm thời điểm bị bắt quả tang, có thể người ta chỉ xử được lần đó. Nếu người này “ thành khẩn “ khai những lần khác, công an sẽ tìm người bị hại, tìm tài sản, hoàn thiện hồ sơ và có thể xử thêm người đó những lần khác. Tóm lại, vài chia sẻ để đối phó hiệu quả khi “ đi cung “ vẫn là: 1.Hỏi xem mình bị khởi tố tội gì? Đề nghị giải thích quy định pháp luật về tội đó. Chắc chắn hiểu được công an cần chứng minh gì để hoàn thành việc buộc tội. 2.Đối chiếu cái mình đã làm và quy định pháp luật về tội mà công an khởi tố. Hình dung trong đầu mình thuộc vụ việc nào trong hai loại vụ việc trên , từ đó có cách đối phó. 3.Hỏi xem đã có camera quay cảnh lấy cung chưa. Nếu có nhất định yêu cầu phải có camera quay khi cán bộ điều tra làm việc. 4.Nói với điều tra viên rằng không khai những gì chống lại mình. Suy nghĩ trước từng câu hỏi và hoàn toàn có thể trả lời: “ Tôi từ chối khai câu này “. 5.Nói với điều tra viên về việc thuê luật sư bảo vệ mình, chỉ khai khi có luật sư sau khi đã trao đổi với luật sư.