HÌNH SỰ: CÁCH ĐỂ BỊ CÁO TRÁNH LAN MAN KHI TRANH LUẬN
HÌNH SỰ: CÁCH ĐỂ BỊ CÁO TRÁNH LAN MAN KHI TRANH LUẬN
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
-
Ngắn gọn đơn giản là cách tự bào chữa tốt nhất
Luật sư bào chữa thường là người có khả năng nói. Phải nói là họ hơn các kiểm sát viên giữ quyền công tố ở điểm này. Một số vụ, kể cả đại án hay bán ma túy bị bắt quả tang, nghe luật sư nói mà chính các đồng nghiệp luật sư cứ tưởng là bị cáo sắp được tha bổng. Đến khi án tuyên thì mức án có khi còn nặng hơn mức cao nhất mà Viện Kiểm sát đề nghị. Đúng là cuộc phẫu thuật thành công nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Như vậy, luật sư, hay kể cả bị cáo, nói năng hùng hồn chưa đủ ( bị cáo như Phan Văn Anh Vũ hay Phạm Công Danh có thể át bất cứ ai tranh luận với họ ). Cái quan trọng nhất là nói đúng. Vậy, thế nào là nói đúng?
Để kết tội thành công một bị cáo, công an, Viện Kiểm sát, tòa án phải giải quyết hai phần: Một là về nội dung, tức là xác định tội danh đúng và khung hình phạt đúng. Hai là về thủ tục, tức là việc điều tra, truy tố, xét xử phải cho phép kết luận bị cáo đó đã làm những việc mà từ đó họ bị buộc tội. Nếu phần thủ tục không xác định được bị cáo đã làm những việc đó, làm mà không đến mức bị qui tội như vậy thì hậu quả là không thể kết tội được bị cáo. Tòa án sẽ phải tuyên trả hồ sơ để tiếp tục điều tra hoặc thậm chí tuyên bị cáo không phạm tội. Ở Việt Nam, tòa án thường tuyên trả hồ sơ để điểu tra bổ sung.
Như vậy, nói đúng có nghĩa là:
-Về nội dung: Chỉ ra tội danh buộc tội bị cáo không chuẩn xác, hoặc chỉ ra cần áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ, chỉ ra yếu tố định khung hình phạt chưa chuẩn, xác định lại nguyên nhân phạm tội không chỉ từ phía bị cáo, điều kiện phạm tội thuận lợi, không phải lúc này thì lúc khác tội phạm sẽ xảy ra…
-Về thủ tục: Chỉ ra việc điều tra, như là việc định giá, tính toán thiệt hại vật chất chưa chuẩn xác, việc dùng giám định viên không phù hợp ( người không có chuyên môn, bằng cấp liên quan đến vấn đề giám định lại ra kết luận giám định ), chỉ ra việc khám nghiệm hiện trường, thu thập, bảo quản vật chứng sai sót ở mức không cho phép kết luận bị cáo đã thực hiện hành vị phạm tội…
Bị cáo, hay luật sư sẽ lan man dài dòng khi không chỉ ra những cái đó. Người viết từng nghe một đồng nghiệp học luật ở Tây trình bày bài bào chữa 500 trang ở một tòa án cấp huyện. Thay vì gạch đầu dòng điều luật quy định cái gì và đối chiếu điều luật quy định với hành vi bị cáo được mô tả trong hồ sơ vụ án, đại luật sư trình bày thành 11 vấn đề pháp lý, đọc trong hai buổi sáng và ba buổi chiều. Rồi thì trong nhiều vụ khác người viết góp mặt, luật sư vẫn thích nói về niêm phong vật chứng không nguyên vẹn, đi cung sau 22 giờ, gạt tài liệu trinh sát ra ngoài hồ sơ vụ án…Tốt nhất là chỉ ra: Những sai lầm về thủ tục đó có dẫn đến việc không thể kết tội bị cáo hay không?
Vậy, bị cáo tại tòa với mong muốn trả hồ sơ điều tra bổ dung có thể tranh luận tốt với đại diện Viện Kiểm sát, tránh lan man dài dòng? Một số chia sẻ:
1/Hiểu tội danh mà mình bị truy tố, tức là những cái bắt buộc phải chứng minh nếu muốn buộc tội thành công. Làm điều này càng sớm càng tốt. Tốt nhất la từ khi bị công an gọi hỏi. Nếu có một luật sư để tìm hiểu thêm thì rất tốt.
2/Trao đổi với luật sư để nắm rõ nên khai gì và khai thế nào? Từ đó có một phương án bảo vệ bản thân tốt nhất.
3/Về phần bị cáo, chỉ cần chuẩn bị việc trả lời các câu hỏi của quý Tòa. Tòa sẽ hỏi và do vậy bị cáo nên tập trả lời mạch lạc nếu muốn tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung. Luật sư cũng có thể tham gia quá trình tập huấn cách khai cho bị cáo trước khi mở phiên tòa.
4/Phân tích việc đúng sai khi định tội danh, xác định khung hình phạt, khả năng kết tội là những thứ mà bị cáo nên để luật sư làm.
Share :