HÌNH SỰ:CÁCH CHỐI TỘI -Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
Không nên tính lừa những người này
Suy đoán vô tội có hai nội dung. Một nội dung hình thức khoa trương, đại ý trước khi một bản án có hiệu lực, kẻ đứng trước tòa vẫn vô tội. Nội dung thứ hai thực chất quan trọng, tóm tắt là công an có nghĩa vụ chứng minh ai đó là tội phạm. Nếu không làm được điều này, cơ quan pháp luật phải đình chỉ việc kết tội. Người bị điều tra, truy tố, xét xử không phải chứng minh mình vô tội. Cách chứng minh ai đó là tội phạm thường là: -Có lời khai của người bị hại, người làm chứng, của kẻ phạm tội khác; có dấu vết tội phạm tại nơi ở, trên người kẻ phạm tội, như là tài sản cướp được, ma túy, vết thương do bị nạn nhân chống trả, dao, súng… cho phép chỉ ra chính bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. -Có lời thú tội của bị can, bị cáo. -Có sự kiểm tra, xác minh cho thấy chính bị can, bị cáo làm cái việc mà đã thú tội, như là đã giám định kết luận nguyên nhân chết, đã thực nghiệm điều tra… -Có kết luận của chuyên gia cho thấy bị can, bị cáo đã gây ra hậu quả đủ để kết tội bị can, bị cáo, như là việc định giá tài sản bị mất, việc xác định hậu quả kinh tế của một hành vi làm trái… Thao tác của luật sư gỡ tội cho bị can, bị cáo là bác bỏ việc chứng minh ai đó là tội phạm của công an, kiểm sát viên. Chối tội là việc một bị can, bị cáo không thừa nhận mình đã gây ra việc phạm tội. Một số dạng biểu hiện của chối tội: -Bị can, bị cáo khẳng định không làm cái việc mà công an, kiểm sát gọi là tội phạm. -Bị can, bị cáo khẳng định có làm nhưng không biết đấy là tội phạm, hoặc do kẻ khác chi phối, chỉ làm theo người khác. -Bị can, bị cáo khẳng định có làm, nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng đến vậy. Như vậy có thể thấy, việc công an, kiểm sát buộc tội bị can, bị cáo dựa trên nhiều nguồn, có lời khai của bị can, bị cáo, có lời khai của người làm chứng, bị hại, đồng phạm khác, có việc thu thập chứng cứ vật chất, rồi yêu cầu chuyên gia đánh giá… Bị can, bị cáo có chối tội thì cũng chỉ dựa trên nhận thức, ý muốn chủ quan. Một số lưu ý khi bị can, bị cáo cho rằng mình không phạm tội: 1/Bị can nên yêu cầu điều tra viên giải thích tội danh áp dụng cho mình. Đề xuất với điều tra viên chỉ hỏi cái liên quan đến tội danh đó. Bị can nên hỏi ai tố cáo mình? Yêu cầu cung cấp nội dung lời tố cáo. Trước khi khai báo nên hình thành phương án khai báo nhằm cải thiện vị thế pháp lý. 1/Nếu bị can, bị cáo làm cái việc được gọi là phạm tội mà lại nói là không làm thì khả năng công an tìm ra sự thật là cao, tạo chứng cứ ngoại phạm khó lừa được họ. Bị can có thể từ chối khai báo cho đến khi có luật sư và chỉ khai sau khi trao đổi với luật sư. 2/Bị can, bị cáo có thể nói suy nghĩ chủ quan không cho rằng việc mình làm là phạm tội. Nên làm việc này trong các vụ án kinh doanh. Nên chỉ ra làm như vậy là bình thường trên thị trường, hoặc làm theo phân công công việc, thực hiện nghĩa vụ người lao động trong doanh nghiệp. 3/Bị can, bị cáo nên đưa ra quan điểm phản biện các đánh giá thiệt hại của các chuyên gia, người giám định, người định giá. Nên yêu cầu cung cấp thông tin về phương pháp, kết quả giám định thiệt hại, đưa ra cách tính khác, chứng cứ khác cho thấy thiệt hại không đến mức vậy. Việc này nên được tiến hành trong các vụ kinh doanh, thương mại, trộm cắp tài sản, biển thủ… 4/Phủ nhận cáo buộc của công an, kiểm sát là việc phức tạp, đòi hỏi đầy đủ thông tin vụ án, tư duy logic để xây dựng phương án hữu hiệu, được tập luyện để khai báo tốt. Việc tập luyện nên tiến hành trong tất cả giai đoạn, từ điều tra, lập cáo trạng đến ra tòa. Lời khai, yêu cầu phải thống nhất thể hiện trong bản cung, bản tường trình, đơn yêu cầu kiến nghị…Bị can, bị cáo nên có luật sư hỗ trợ việc này.