HÌNH SỰ: CÁCH BỊ CÁO TRẢ LỜI TRƯỚC TÒA ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG

HÌNH SỰ: CÁCH BỊ CÁO TRẢ LỜI TRƯỚC TÒA ĐỂ CẢI THIỆN TÌNH TRẠNG
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Với sự trợ giúp của luật sư, bị cáo có thể trả lời tốt tại tòa
Với sự trợ giúp của luật sư, bị cáo có thể trả lời tốt tại tòa
     Hiện tại, người ta đang tiến hành cải cách tư pháp. Phiên tòa diễn ra khác so với cách đây 10 năm. Trước đây, câu nói “ án tại hồ sơ “ không thể bác bỏ. Nghĩa là lời khai của bị cáo, đương sự khi được ghi vào hồ sơ, có chữ ký của họ bên dưới, thì khả năng lớn là được tòa thừa nhận. Bây giờ thì kiểu gì người ta cũng phải khai lại theo câu hỏi của các vị thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, luật sư các bên. Các câu hỏi gồm cả các câu ghỡ tội của luật sư của bị cáo tạo ra cơ hội để bị cáo được xem xét lại. Từ lời khai của bị cáo tại tòa, hồ sơ bị trả lại để điều tra không ít. Án không còn tại hồ sơ nữa.
     Vấn đề là bị cáo nên biết cách vận dụng. Trả lời thế nào trước các câu hỏi của thẩm phán, hội thẩm, kiểm sát viên, luật sư các bên thực sự có thể ảnh hưởng đến số phận bị cáo. Từ kinh nghiệm làm nghề, người viết thường thông tin hồ sơ cho bị cáo, đánh giá các cơ hội, đề xuất phương án bào chữa, xác định cách khai tại tòa – nếu sớm hơn là tại công an, Viện Kiểm sát, thử đoán các câu bị cáo có thể bị hỏi và hướng dẫn cách trả lời, sau cùng là đóng vai thẩm phán yêu cầu bị cáo trả lời các câu hỏi, cho đến khi thật trơn tru. Nếu bị cáo chuẩn bị một bất ngờ, khai thêm ai đó, đưa văn bản, đồ vật, băng đĩa gì đó trước tòa, sự chuẩn bị còn phải kỹ hơn.
     Bị cáo nên xác định: Khai tại tòa là phần tiếp theo của một quá trình. Quá trình này bắt đầu từ khi khởi tố vụ án, thậm chí trước đó, từ các buổi gọi hỏi đầu tiên. Nó được tiếp tục trong quá trình làm việc tại công an, làm việc với kiểm sát viên. Sau cùng là ra các phiên tòa, sơ thẩm và phúc thẩm. Vì vậy, muốn ở tình trạng pháp lý tốt nhất, không gì hơn là phải hiểu tình trạng pháp lý của mình, nắm được thông tin vụ việc, sau đó mới tính được cách đối phó cụ thể. Cách đối phó thì đại ý chia ra: 1.Kêu oan: Khẳng định mình không làm điều đó, có làm thì không đến mức như vậy.2.Ngăn chặn kết tội: Từ chối việc khai hoặc cung cấp các tình tiết buộc tội và 3.Đề xuất giảm nhẹ: Chấp nhận việc buộc tội, đề nghị xem xét riêng với trường hợp của mình.
     Về các câu hỏi tại tòa thì nếu thẩm phán hỏi, thường theo kiểu ai? ở đâu? khi nào? thế nào? tại sao?, và theo kiểu xuôi chiều, thời gian xa trước, thời gian gần sau. Trên cơ sở lựa chọn đối phó: 1.Kêu oan, 2.Ngăn chặn, 3.Giảm nhẹ, bị cáo hình thành câu trả lời. Thường, người ta hay trả lời kiểu “ bật “, ai đó hỏi bạn, chưa cần hiểu câu hỏi của họ, chưa cần chuẩn bị câu trả lời, bạn đã trả lời. Ra tòa, nhìn chung bị cáo nên nghe hiểu câu hỏi, không vấn đề gì khi đề xuất người hỏi nhắc lại, rồi chuẩn bị ý tứ trả lời trong đầu và trả lời. Thái độ nên nhẹ nhàng, bình tĩnh. Cố gắng phản ứng như vậy ngay cả khi bị cáo đang trả lời mà bị cắt ngang hoặc bị quát to tiếng. Có thể bị cáo là người có chuyên môn hoặc làm việc trong một ngành nghề đặc thù, hãy lý giải những vấn đề liên quan đến chuyên môn hay đặc thù đó bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất. Thẩm phán là người xa lạ với những kiến thức chuyên môn này.
     Một số chia sẻ để bị cáo có thể trả lời các câu hỏi tại tòa tốt nhất, cải thiện tình trạng pháp lý của mình:
1.Hình thành phương án bào chữa. Tốt hơn cả là có phương án này ngay từ lần làm việc đầu tiên tại công an. Luật sư hẳn sẽ là người trợ giúp đắc lực trong việc này. Phương án dựa trên các lựa chọn: 1.Kêu oan, 2.Ngăn chặn, 3.Giảm nhẹ.
2.Nỗ lực nắm thông tin mọi lúc. Yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên giải thích tội áp dụng, những nội dung bắt buộc phải chứng minh được để quy tội đó. Khi kết thúc điều tra hoặc khi kiểm sát viên bắt đầu làm việc, yêu cầu cung cấp bản phô tô lời khai của mình và lời khai của người khác liên quan đến mình.
3.Hình dung những phần quan trọng của vụ án mà ra tòa nhất định người ta sẽ hỏi và chuẩn bị câu trả lời. Câu trả lời hẳn phải phù hợp với phương án bào chữa đã chọn.
4.Ra tòa thì nghe kỹ câu hỏi, hỏi lại nếu cảm thấy chưa hiểu, chuẩn bị ý tứ trả lời và trả lời.
5.Nếu có luật sư bào chữa, hãy cùng luật sư chuẩn bị sẵn câu hỏi gỡ tội và trả lời theo sự chuẩn bị này.
6.Với luật sư đối phương, nếu câu hỏi quá dài, hoặc khó hiểu, hoặc nhận ra đó là câu hỏi “ bẫy “, nên trả lời thẳng: Tôi từ chối trả lời vì không hiểu câu hỏi, hoặc: Tôi từ chối trả lời vì việc trả lời có thể dùng kết tội tôi.