HÌNH SỰ: CÁCH BỊ CÁO TRẢ LỜI “ KÊU OAN “ HAY “ GIẢM NHẸ “ KHI TÒA PHÚC THẨM HỎI.

HÌNH SỰ: CÁCH BỊ CÁO TRẢ LỜI “ KÊU OAN “ HAY “ GIẢM NHẸ “ KHI TÒA PHÚC THẨM HỎI.
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Tại phiên hình sự phúc thẩm, muốn kêu oan phải hiểu và chuẩn bị
    Tại phiên hình sự phúc thẩm, muốn kêu oan phải hiểu và chuẩn bị
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, bị cáo có 15 ngày kháng cáo. Lúc này, họ đối diện với câu hỏi: Nên kháng cáo không? Nếu nên, họ nên kêu oan hay giảm nhẹ? Để trả lời câu hỏi, nên xem các thẩm phán có thể làm gì tại phiên phúc thẩm.
Điều 355, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 cho phép thẩm phán tòa phúc thẩm có quyền:
- Giữ nguyên án sơ thẩm;
- Sửa án sơ thẩm ( nhẹ hơn nếu chỉ có kháng cáo của bị cáo );
- Hủy án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xử lại;
- Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án ( tuyên vô tội );
- Đình chỉ việc xét xử phúc thẩm ( nếu bị cáo rút kháng cáo, án sơ thẩm mặc nhiên có hiệu lực ).
Về sửa án sơ thẩm nhẹ hơn,  theo điều 357, khi án sơ thẩm tuyên không đúng hoặc có tình tiết mới thì tòa phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm như sau:
- Miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo;
- Áp dụng tội nhẹ hơn;
- Giảm hình phạt;
- Giảm mức bồi thường;
- Chuyển tội nhẹ hơn;
- Cho hưởng án treo.
Trường hợp có căn cứ, tòa sửa án sơ thẩm cho những bị cáo không kháng cáo.
Những nội dung trên cho thấy theo luật thì tòa phúc thẩm phải xem xét vụ án theo cả hai hướng, giải oan và giảm nhẹ. Bị cáo có nhận tội và xin giảm nhẹ, nếu thấy bị oan, tòa phúc thẩm vẫn có thể giải oan cho bị cáo.
Lý thuyết là vậy. Thực tế thì bắt đầu phiên xử phúc thẩm, chủ tọa luôn hỏi: Bị cáo kêu oan hay xin giảm nhẹ? Bị cáo kêu oan thì tòa chỉ xét bị cáo oan không, còn nếu xin giảm nhẹ, tòa sẽ xét giảm nhẹ cho bị cáo. Như vậy, tòa đưa bị cáo vào tình thế chỉ được chọn một: Kêu oan thì không giảm nhẹ và ngược lại.
Về oan, đại đa số bị cáo không hiểu oan gồm hai dạng: Dạng 1: Bị cáo không làm điều đó ( phạm tội ), ví dụ điển hình trong một vụ oan sai, khi nạn nhân bị giết, bị cáo ở một nơi cách đó đủ xa để không thể đến – giết người – quay về; Dạng 2: Công an, viện kiểm sát, tòa án không chứng minh được bị cáo làm điều đó, ví dụ trong vụ oan sai khác, nạn nhân bị xác định là chết, người gặp nạn nhân sau cùng là bị cáo, bị cáo bị quy giết người nhưng người ta không tìm thấy dấu vết gì từ bị cáo. Vì không hiểu, bị cáo không giải thích được vì sao mình bì oan. Do đó, bị cáo không thay đổi được kết quả sơ thẩm.
Giảm nhẹ thì đơn giản hơn, khá đa dạng và được nhiều bị cáo chọn. Có thể chỉ là việc tòa phúc thẩm đánh giá lại vai trò bị cáo, hoặc cũng có thể tòa ghi nhận việc bồi thường của bị cáo sau khi sơ thẩm tuyên, hoặc tòa ghi nhận người nhà bị cáo có huân huy chương...Với dạng này, bị cáo phải thừa nhận trường hợp của mình là đúng người đúng tội.
Từ những quy định và thực tế vận dụng, một số lời khuyên cho bị cáo lựa chọn chuẩn xác kêu oan hay giảm nhẹ là:
1.Né tránh trả lời “ kêu oan “ hay “ giảm nhẹ “. Trong đơn kháng cáo, chỉ cần nói “ kháng cáo bản án “ và nêu vắn tắt lý do kháng cáo là “ để được xem xét lại vụ án “.
2.Nếu có thể bồi thường một phần hay toàn bộ thiệt hại thì thực hiện. Tìm kiếm các yếu tố nhân thân tốt, như đã được khen thưởng, bố mẹ ông bà có huân huy chương hoặc xác nhận gia cảnh và nộp lên tòa phúc thẩm.
3.Tại phiên tòa phúc thẩm, khi được hỏi: bị cáo kháng cáo kêu oan hay giảm nhẹ, tiếp tục né tránh bằng cách nói thẳng vào luôn lý do kháng cáo: thưa tòa, tôi kháng cáo vì các lý do: 1,2,3...
4.Nên có một luật sư để trao đổi nên kêu oan hay giảm nhẹ. Nếu chọn được một thì xác định nên trình bày với tòa như thế nào phù hợp nhất. Luật sư sẽ cung cấp thông tin hồ sơ, phân tích bản án sơ thẩm và có giải pháp phù hợp.
Nói chung, bị cáo phải trả lời câu hỏi kêu oan hay giảm nhẹ vào hai lần. Lần 1 là khi làm đơn kháng cáo. Lần 2 là tại phiên tòa phúc thẩm. Tốt nhất là bị cáo chắc chắn mình nên kêu oan hay giảm nhẹ, nhưng khôn ngoan nhất là tránh câu trả lời kiểu “ tôi kêu oan “, “ tôi xin giảm nhẹ “. Thay vào đó nên trả lời trực tiếp kiểu “ tôi xin tòa xem xét lại án sơ thẩm vì ... “.