HÌNH SỰ: BỊ CÁO LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ HỒ SƠ?

HÌNH SỰ: BỊ CÁO LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ HỒ SƠ?
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Tại tòa,bị cáo cần hồ sơ vụ án để đặt lên bàn khai báo
    Tại tòa,bị cáo cần hồ sơ vụ án để đặt lên bàn khai báo
Hình ảnh về các phiên tòa những năm gần đây khác so với cách đây mươi năm. Trước thì bị cáo phải đứng trước vành móng ngực, mặc quần áo sọc đen, có thể tay vẫn bị còng. Giờ thì bị cáo ăn mặc như người thường, đứng trước một cái bàn, tay thoải mái. Đó là thay đổi lớn trong xét xử. Bị cáo không bị coi là có tội khi đứng trước tòa. Anh/chị ta có các quyền giống mọi người khác, quyền được tiếp cận thông tin, quyền được nói lên, quyền tự bào chữa...
Về tự bào chữa, bị cáo được làm công việc giống luật sư làm, tức là luật sư cho chính mình. Có nhiều nét khác nếu bạn so ảnh chụp của một luật sư đích thực, sống bằng tiền thuê cãi, và luật sư cho chính mình – bị cáo. Một trong số khác biệt, đó là đống giấy tờ mà luật sư mang theo. Luật sư luôn có hồ sơ phô tô cho mỗi vụ việc. Hồ sơ chất thành đống trên mặt bàn. Có người còn phải mang xe đẩy loại dùng trong siêu thị để chở hồ sơ. Trong khi bị cáo, kể cả như Phan Văn Anh Vũ danh tiếng lẫy lừng, trên mặt bàn khai báo ở tòa chẳng thấy một tờ giấy nào. Không cáo trạng. Không kết luận điều tra. Càng thiếu các bản cung.
Cái thiếu này có điểm lợi là bị cáo thật nhẹ tay, nhất là khi được tháo còng số 8. Có điều, do không được đọc lại các bản cung, không có cáo trạng hay kết luận điều tra trên bàn khai báo, bị cáo thường rơi vào tình trạng bị động. Việc tự bào chữa, tranh luận tại tòa thiếu trọng tâm. Bị cáo kể cả khi tỏ ra hùng biện với trí nhớ siêu việt, đọc cả thơ, nhưng vẫn thiếu màn biểu diễn khiến cho Viện Kiếm sát vò đầu bứt trán.
Có lẽ nên giở luật ra xem bị cáo có thể có gì. Trước khi hầu tòa, bị cáo là bị can. Luật định cho bị can có một số quyền. Trong đó có quyền được biết mình bị khởi tố về tội gì, quyền được có bản phô tô lời khai của mình, lời khai của người khác về mình, quyền được có một bản kết luận điều tra và cáo trạng sau khi đã ghi nhận ý kiến. Nếu thực hiện hết các quyền này, hiển nhiên khi vào trại tạm giam, bị can có thêm một số tài sản: Những tờ giấy ghi những nội dung liên quan tới tự do, thậm chí mạng sống của mình.
Vấn đề là bị cáo có thể không được trại tạm giam cho phép mang những thứ giấy tờ đó ra tòa. Cũng chưa thấy tòa nào cho phép bị cáo sử dụng bàn khai báo để đạt các giấy tờ cần thiết lên. Lý dó có thể là bị cáo, hay luật sư của anh/chị ta chưa yêu cầu. Nếu trong trại, bị can phải mặc quần áo vằn sọc, nhưng ra tòa, bị can có thể mặc lên người bộ quần áo mà nhà gửi vào, thì đơn giản là bị caó có thể mang theo những thứ khác nếu xin trại giam, ví dụ giấy tờ liên quan đến vụ án. Còn ở tòa, hẳn tòa sẽ dễ dàng cho phép bị cáo sử dụng bàn khai báo hữu ích hơn. Vừa đảm bảo quyền tự bào chữa vừa đỡ phí công trang bị bao nhiêu cái bàn.
Và một khi đã liên quan đến quyền hiến định là tự bào chữa, thì bị cáo được tòa tạo điều kiện tối đa thực hiện điều này. Nếu bị cáo được tòa cho hoãn phiên tòa để đảm bảo sức khỏe, để thuê luật sư, điều này nghĩa là lý do hoãn: để hiểu mình bị truy tố về tội gì và biết thêm thông tin vụ án hoàn toàn có thể được chấp nhận. Việc này khiến cho việc tự bào chữa của bị cáo tốt hơn.
Vậy nên, người viết xin chia sẻ vài cách để bị cáo có thể mang kết luận điều tra, cáo trạng, phô tô bản cung, cũng như giấy bút ra đặt lên mặt bàn khai báo, từ đó thực hiện quyền tự bào chữa tốt hơn và cải thiện tình trạng của chính mình:
1.Hiểu rằng yêu cầu là việc gì đó đương nhiên. Bị cáo nên yêu cầu ngay từ khi bắt đầu điều tra: Yêu cầu được giải thích tội danh, yêu cầu được xem lại bản cung ( hãy nhớ mình khai gì ).
2.Khi kết thúc điều tra, yêu cầu phô tô kết luận điều tra, bản cung mình đã khai, các bản cung người khác khai về mình.
3.Khi có cáo trạng, yêu cầu được cấp một bản cáo trạng.
4.Yêu cầu trại tạm giam cho mang bản cung phô tô, bản kết luận điều tra, cáo trạng vào buồng tạm giam và mang ra tòa vào hôm xử.
5.Có một luật sư, thuê hay từ nguồn trợ giúp pháp lý của nhà nước, để giúp đỡ.
6.Nếu đến ngày xử vẫn không có phô tô hồ sơ, kết luận điều tra, cáo trạng trong tay, yêu cầu hoãn phiên tòa để có những thứ đó đê thực hiện quyền tự bào chữa.