HÌNH SỰ: BỊ CÁO LÀM GÌ ĐỂ CHUẨN BỊ CHO PHIÊN TÒA

HÌNH SỰ: BỊ CÁO LÀM GÌ ĐỂ CHUẨN BỊ CHO PHIÊN TÒA
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Ra tòa luôn cần chuẩn bị
    Ra tòa luôn cần chuẩn bị
     Miễn nói đến tầm quan trọng của phiên tòa hình sự. Không phải ai cũng một lần ra tòa. Vì vậy, phiên tòa hình sự luôn khiến cho những người lỡ vướng phải không thể quên được nó. Đa số các bị cáo thiếu sự chuẩn bị để ra tòa. Lẽ nhiên, các bị cáo “ có đuôi “, tức là vào tù ra khám vài ba lần, biết cách kiềm chế nỗi sợ. Đó được coi là sự chuẩn bị đáng kế nếu đem so với những bị cáo lần đầu biết tòa. Sự thiếu chuẩn bị này khiến bị cáo lo lắng, hồi hộp. Họ không biết khai thế nào cho có lợi. Họ cũng không rõ cách tranh luận bảo vệ mình. Họ không có thái độ thích hợp khi ra tòa. Cuối cùng, họ không biết làm gì tiếp theo khi phiên tòa kết thúc.
     Nguyên nhân cho tất cả những thiếu hụt trên, hẳn là do bị cáo thiếu kinh nghiệm ( kinh nghiệm ra tòa chỉ nên có trong các ông bà luật sư ). Ngoài ra, bị cáo thiếu thông tin về vụ án. Họ không hiểu rõ mình bị buộc tội gì. Họ không rõ hồ sơ kết tội có gì, ai đã khai gì về mình, kết quả định giá có vấn đề gì... Hậu quả là họ không đánh giá được tình thế pháp lý của mình. Điều này khiến nhiều bị cáo bỏ qua cơ hội thoát tội, khi mà trong một số trường hợp, cơ hội kết tội họ rất thấp.
     Các ông bà luật sư cũng có lỗi. Luật sư nên làm gì đó để bị cáo, người nhà bị cáo biết tới nhiều hơn. Khi đã được biết tới rồi, luật sư nên làm gì đó để được thuê. Tiền thuê luật sư hẳn là vấn đề. Vấn đề sẽ được giải quyết nếu ông bà luật sư chấp nhận người thuê chia nhỏ số tiền ra 50 phần, nhận từng lần mỗi phần. Vậy là người ra tòa được hưởng sự trợ giúp. Có không thay đổi được kết quả thì cũng tự nhủ là mình đã cố hết sức.
     Nếu có luật sư trợ giúp, hẳn bị cáo có nhiều cơ hội giảm nhẹ. Luật sư đánh giá tình thế bị cáo, nên đánh – nhất mực kêu oan, hay nên xin – trình bày hoàn cảnh, xin giảm nhẹ. Luật sư cũng sẽ cung cấp được thông tin vụ việc cho bị cáo, ít ra xóa được cảm giác mù mờ, ấm ức. Luật sư hướng dẫn cách khai, điều chỉnh thái độ đúng mực có lợi nhất. Luật sư cũng xác định sau phiên tòa, bị cáo nên làm gì, nên tiếp tục thử cơ hội tại phúc thẩm hay thu xếp việc nhà để đi thi hành án. Nói chung chi phí cho luật sư là thứ chi phí mang lại thêm ngày tự do cho bị cáo. Chính một thẩm phán nói với người viết: Thông thường, khi bị cáo thuê luật sư, tòa có xu hướng xử nhẹ đi.
     Vậy, để chuẩn bị ra một phiên tòa hình sự, các bị cáo nên làm gì? Một số chia sẻ của luật sư, nhất là để giành cho bị cáo không có luật sư:
1.Nên tận dụng quyền có thông tin của bị cáo: Yêu cầu điều tra viên, kiểm sát viên giải thích rõ tội danh, mức hình phạt có thể áp dụng. Yêu cầu được phô tô lời khai của bị cáo khác, người bị hại, người làm chứng về mình. Nếu đang trong trại tam giam, thử đề xuất với trại cho mang các giấy tờ, như là kết luận điều tra, cáo trạng, các phô tô nói trên vào phòng giam để nghiên cứu. Nếu có thể thì đề nghị cả giấy bút.
2.Từ thông tin có được, nên thực sự hiểu tình thế để có đối sách thích hợp tại tòa. Ví dụ cảm thấy bị oan, tức là không làm điều bị kết tội, hoặc có làm nhưng không đến mức đó, hoặc cảm thấy việc buộc tội không có gì sai trái. Với mỗi kiểu như vậy, nên tự hình thành cách trình bày phù hợp tại tòa, kể cả nói ngược hoàn toàn những cái bị quy kết.
3.Nên tự nhủ là luôn ôn hòa và kiềm chế. Thẩm phán cũng là con người cảm tính. Thái độ ôn hòa, kiềm chế luôn được lắng nghe. Chỉ có thể có lợi khi đã làm cái bị người ta kết tội rồi tỏ ra ăn năn. Còn nếu không làm, hãy thực sự vừa ôn hòa, vừa kiên nhẫn, vừa rành mạch khi trình bày với tòa.
4.Giành thời gian thích hợp trước phiên tòa để chuẩn bị. Chuẩn bị câu trả lời. Chuẩn bị tranh luận. Chuẩn bị lời nói sau cùng. Riêng phần tranh luận, nếu thấy oan, hãy chuẩn bị nói cái đã xảy ra; nếu thấy việc kết tội là đúng, hãy chuẩn bị trình bày hoàn cảnh, các tình tiết giảm nhẹ, thể hiện ăn năn, giải thích sao đã làm việc đó.v.v...
5.Chuẩn bị tinh thần cho mọi việc xảy ra. Xác định sau khi phiên tòa kết thúc, làm gì tiếp theo, kháng cáo lên trên hay chấp nhận bản án.