HÌNH SỰ: 6 CÁCH TỰ CỨU KHI BỊ TẠM GIỮ

HÌNH SỰ: 6 CÁCH TỰ CỨU KHI BỊ TẠM GIỮ
-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
Hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng pháp lý khi bị tạm giữ
Hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng pháp lý khi bị tạm giữ
Tạm giữ là biện pháp ngăn chặn mà cơ quan điều tra dùng khi thấy ai đó chuẩn bị thực hiện tội phạm, hoặc đã phạm tội và bị người khác nhìn thấy xác nhận, hoặc đang bị truy  nã  và bị bắt, hoặc với người mà trước đó đã có quyết định tạm giữ  và giờ đầu thú. Do nhà tạm giữ thường được xây trong chính trụ sở công an huyện, người bị tạm giữ sẽ phải chịu đựng việc hỏi cung liên tục của các điều tra viên.
Luật định người tạm giữ có các quyền, đáng kể nhất là:
-Được biết mình bị giữ về tội gì, tại sao bị giữ,
-Từ chối khai cái có thể dùng buộc tội mình hoặc nhận là có tội,
-Nhờ luật sư bào chữa,
-Đưa chứng cứ, đồ vật, tài liệu, yêu cầu gỡ tội cho mình,
-Phản bác chứng cứ, đồ vật, tài liệu, yêu cầu buộc tội mình,
-Khiếu nại quyết định, lối hành xử của nhà chức trách.
Mỗi lần tạm giữ là 3 ngày. Một người thường phải chịu tạm giữ 3 lần như vậy, tổng cộng 9 ngày. Trong 9 ngày, nếu không phát hiện được dấu hiệu tội phạm, người bị tạm giữ sẽ được thả. Thực tế thì may mắn kiểu này không ít.
Cũng nên thấy một thực tế khác là điều tra viên thường lấy được các lời khai buộc tội trong 9 ngày này. Có thể chỉ cần một điều tra viên không quá kinh nghiệm, kể cả khi thông tin về vụ án thiếu đáng kể, nhưng điều tra viên vẫn khiến người bị tạm giữ nhận tội. Với tâm lý hoang mang, sợ hãi, chán nản, thất vọng, cộng thêm với những biện pháp nghiệp vụ của điều tra viên, nên có trót khai cái gì đó ra, hoàn toàn có thể thông cảm với những người bị giữ trong nhà tạm giữ.
Vậy, người bị tạm giữ nên làm gì để tránh việc  không làm xấu đi tình trạng pháp lý của mình? Một số gợi ý:
1.Hình dung lại việc đã làm. Tự trả lời: Ai tham gia? Đã làm gì? Làm ở đâu? Lúc nào? Tại sao việc đó bị phát hiện? Công an có thể biết gì rồi?. Nếu cảm thấy bị oan, có chứng cứ ngoại phạm rõ ràng thì quyết minh oan. Nếu đã trót làm cái gì đó, nhưng qua việc ghép các sự việc lại, bị can đoán được điều tra viên cũng đang gặp khó trong việc điều tra thì hãy hiểu: Chứng minh tội phạm là trách nhiệm của cơ quan điều tra. Do vậy trước tiên phủ nhận những chứng cứ mà cơ quan điều tra đưa ra. Dùng quyền im lặng – Tức là từ chối khai, ít nhất là với những nội dung có thể bị buộc tội. Còn nếu thấy mọi việc quá rõ, hãy ăn năn và trình bày hoàn cảnh. Nên có một phương án gỡ tội thống nhất.
2.Hỏi xem mình bị tội gì? Yêu cầu giải thích khung, khoản áp dụng. Hỏi ai tố cáo? Có thể cho xem đơn từ tố cáo được không? Có thể cho xem chứng cứ mà người tố cáo nộp cho cơ quan điều tra. Có thể chỉ được đáp ứng phần nào đó. Hãy cứ yêu cầu.
3. Khi được hỏi có thuê luật sư không, hãy nói có và đề nghị chỉ khai khi có mặt luật sư. Sẽ được phép gọi điện thoại về nhà, hãy nói với người nhà là tìm thuê một luật sư. Luật sư sẽ được gặp người bị tạm giữ và muốn nói gì với người nhà thì cứ nói qua luật sư.
4.Khi được hỏi câu hỏi mà nếu trả lời, sẽ bị dùng buộc tội chính mình, hãy nói thẳng: Tôi xin không khai cái chống lại tôi, công an cứ điều tra, đến đâu tôi xin chịu.
5.Xem xét có nên sớm tự bào chữa, đưa các đồ vật, tài liệu, yêu cầu... minh oan hay giảm nhẹ không. Chưa chắc tự bào chữa sớm, sớm đưa chứng cứ và khẳng định mình vô tội là hay. Bào chữa vào thời điểm nào, lúc nào thì đưa chứng cứ minh oan luôn cần suy tính. Nên nhớ, cơ quan điều tra luôn muốn buộc tội. Lẽ nhiên, nếu người bị tạm giữ thực sự vô tội, phải kêu oan ngay từ đầu.
6.Với chứng cứ, tài liệu, yêu cầu ... buộc tội, hỏi xem là những thứ gì? Nên đưa ra yêu cầu xem xét tính hợp pháp của chúng. Yêu cầu giám định nếu cần.
      Người bị tạm giữ nên có tâm lý ổn định. Mọi việc có cái guồng của nó. Công việc, con cái, cha mẹ, vợ chồng... tự khắc có thể xoay xở khi người bị tạm giữ vắng mặt. Vậy, lo cái gì đó bên ngoài bốn bức tường nhà tạm giữ cũng không ích gì. Hãy nỗ lực tự cứu.