HÌNH SỰ: 6 CÁCH TRÁNH TRÌNH BÀY, TRANH LUẬN KHÔNG ĐÂU

HÌNH SỰ: 6 CÁCH TRÁNH TRÌNH BÀY, TRANH LUẬN KHÔNG ĐÂU
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Luật sư Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Nên tránh trình bày,tranh luận tại tòa với nội dung không rõ ràng và vô ích
    Nên tránh trình bày,tranh luận tại tòa với nội dung không rõ ràng và vô ích
      Đa số bị cáo là người chưa từng đến cửa tòa. Vậy nên họ thiếu kinh nghiệm.  Kể cả thành phần có “ đuôi “ – vài ba tiền án, nghĩa là ra tòa nhiều lần, do mỗi lần ra tòa không giống nhau, thời gian các lần xử lại cách nhau, nên tuy có bản lĩnh trước tòa, nhưng ít người “ đọc “ và “ lái “ phiên tòa dẫn đến kết quả có lợi. Một trong số những điều mà bị cáo mắc phải, là việc trình bày hay đấu lý không đi đến đâu.
     Trình bày, hay đấu lý không đi đến đâu được hiểu là khai, tranh luận tại tòa kiểu:
-Theo ý chủ quan của mình, cho rằng cái mà mình nói ra tại tòa gây khó cho việc buộc tội. Nói không đúng điều cần nói để bác bỏ cáo buộc.
-Chú trọng vào tiểu tiết, chuyên môn, thông lệ đặc thù mà thiếu cắt nghĩa rõ ràng, thiếu tổng thể.
-Cái mà bị cáo đề cập đến có thể quan trọng, nhưng trình bày thiếu hợp lý, dẫn đến bỏ qua cơ hội xoay chuyển tình thế.
-Cãi lộn, soi câu bẻ chữ
-...
     Vài ba ví dụ cho cái người viết nói trên:
-Một vụ cướp xuất phát từ thu nợ. Bị cáo bị quy tội là mẹ, con gái, con dâu. Ra tòa, bà mẹ khai rằng mọi việc do mình làm, con gái và con dâu chỉ đứng ngoài xem. Trong khi cáo trạng xác định cả hai đều tham gia tích cực.
-Một vụ vi phạm quy định về tín dụng. Việc vi phạm được “ sếp tổng “ chỉ đạo miệng xuống từng chi nhánh. Đáng ra thừa nhận và  cắt nghĩa làm theo đúng chỉ đạo để ngân hàng mình không phá sản, dẫn đến đổ bể hệ thống, các bị cáo – những người đứng đầu chi nhánh – lại phủ nhận là không nhận được chỉ đạo.
-Một vụ thông thầu đẩy giá. Bị cáo bị quy là có thỏa thuận ăn chia. Đáng ra phải bác bỏ dứt khoát việc có thỏa thuận ăn chia, bị cáo lại nói sở dĩ có chi tiết thỏa thuận ăn chia như cáo trạng quy kết là do khi điều tra, công an đề nghị bị cáo tính hộ họ từng mức ăn chia cụ thể nếu có ( bảng tính sau đó được Viện Kiểm sát dùng để buộc tội các bị cáo ).
-Một vụ vi phạm quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo – trước là một bộ trưởng, thay vì giải thích việc mình, kể cả người tiền nhiệm làm đã là một thông lệ, thì lại mắng Viện Kiểm sát quy tội là võ đoán, thiếu hiểu biết và không giải thích.
     Việc trình bày, đấu lý không đi đến đâu gây ra hậu quả là bị cáo cảm thấy mình bị oan ức, tòa không xem xét lời khai của mình. Nó cũng đẩy luật sư của bị cáo vào thế khó, khi không thể lợi dụng lời khai tại tòa của bị cáo – vốn dĩ quan trọng nhất – để tránh cho bị cáo bị kết tội.
Vài chia sẻ nhằm tránh tình trạng trình bãy, tranh luận không đâu.
1.Hiểu rõ tội bị buộc. Quy định cụ thể của tội đó:  Nội dung buộc tội cơ bản cần có; các khung hình phạt. Đối chiếu với cái mình làm để xem tình tiết nào của mình Viện Kiểm sát đã bỏ qua. Yêu cầu được cung cấp bản phô tô các lời khai của mình, lời khai liên quan đến mình...Nói chung được tòan bộ hồ sơ vụ án thì quá tốt
2.Có định hướng chung nhất bảo vệ mình. Nên chối tội kêu oan hay nhận tội xin giảm nhẹ. Bị cáo là người biết rõ nhất mình thực sự làm việc đó không. Nếu đúng như cái mà cáo trạng mô tả, hãy đối mặt. Việc cãi của luật sư.
3.Xác định vấn đề cụ thể để khai, tranh luận tại tòa bảo vệ mình. Cố gắng dùng ngôn ngữ đời thường nhất, giải thích rõ ràng. Cố gắng ngắn gọn, logic, đi thẳng vào vấn đề.
4.Thử hình dung các vấn đề mà tòa án, Viện Kiểm sát tập trung hỏi, nhất là khi lựa chọn kêu oan chối tội. Trả lời phù hợp. Cách phù hợp có khi chỉ là nhắc lại lần nữa, có giải thích cái đã khai để kêu oan chối tội.
5.Luôn có thái độ đúng mực, vừa phải. Nỗ lực kiên nhẫn, ôn tồn tối đa. Có thể bị cáo bản tính nóng nảy, nhưng cố gắng kìm chế trong vài giờ xét xử.
6.Tốt hơn cả là thuê một luật sư. Làm việc với luật sư để trình bày, tranh luận tốt, đúng trọng tâm, phối hợp tốt.