-Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -Không khai tại tòa,nhận tội về mình khiến tội nặng hơn.
Hiện tại, cái diễn ra tại phiên tòa là cái quyết định mức án nặng nhẹ dần thành xu thế. Các vị ở Tòa Tối cao nói rằng họ đang tiến hành cải cách tư pháp. Việc tranh tụng tại phiên tòa sẽ quyết định kết quả. Lẽ nhiên, nên hiểu đây là cái đích phấn đấu. Có vẻ như đã, hoặc sắp qua thời án tại hồ sơ. Trước đây, hồ sơ như nào người ta xử thế. Mà hồ sơ thì luôn là thứ buộc tội. Chẳng ai đi khen điều tra viên, kiểm sát viên khi anh này giải oan cho một người. Nhưng anh này hẳn vấp váp trên đường tiến thân nếu để lọt tội phạm. Vì vậy, nghề nghiệp đòi hỏi anh này phải lập hồ sơ kín kẽ, chắc chắn buộc được tội. Nếu chỉ trông vào hồ sơ đó, luật sư chỉ còn nước xin tình tiết giảm nhẹ. Giờ thì khác như đã nói. Diễn biến tại tòa, tuy chưa quyết định phần lớn, nhưng phần nào đó, có thể làm giảm số năm mất tự do bị cáo phải chịu. Điều này nghĩa là nên coi trọng việc nói gì tại tòa. Bị cáo hẳn phải nói lại quá trình phạm tội. Việc nói lại này theo câu hỏi của thẩm phán. Bị cáo thường được nhắc “ hỏi đến đâu trả lời đến đó “, và “ khai trung thực sẽ được xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ “. Việc nói lại này, việc giải thích những gì xảy ra, đề xuất cái tòa nên xem xét, nói lời sau cùng nên được thiết kế để mang lại hiệu quả cao nhất – không gì khác là số năm mất tự do giảm. Một số bị cáo mà người viết từng bào chữa đi lựa chọn cách không khai gì, hoặc khai hoàn toàn theo cách mình nghĩ là tốt. Người viết thường hay tập huấn cho các bị cáo. Đầu tiên là thông tin hồ sơ, nhất là cái họ đã khai với công an. Giải thích cho họ tội danh. Đưa ra lời khuyên cụ thể nên khai gì. Sau cùng là đóng vai thẩm phán hỏi họ những câu tòa sẽ hỏi. Những người được tập huấn khai trước khi phiên tòa mở thường có kết quả tốt, với số năm mất tự do giảm xuống. Tuy vậy, vẫn có những người làm khác đi. Một người mà người viết bào chữa. Người này vào nhà con nợ với tờ giấy nợ và lấy đồ. Con nợ tri hô. Kết quả là bà ta, con gái, con dâu – những người trợ giúp lấy nợ bị quy tội cướp. Tại công an, bà và con gái đã chọn không khai gì. Tại tòa, dù đã được tập huấn, nhưng bà vẫn chọn khai theo ý mình, đứng ra nhận hết về mình, ngoài mình ra không ai tham gia. Người đàn bà nghĩ đơn giản là như vậy sẽ gánh tội cho con cái, thể hiện được bản lĩnh của mình. Điều này làm cho cái diễn ra tại tòa vô cùng hỗn độn. Tòa tuyên bà ta và con gái mức án không hề nhẹ. Bên cạnh những điều nói trên, người viết và nhiều người khác vẫn nhớ vụ Trương Hồ Phương Nga. Trong vụ này, hoa hậu đã không khai gì, nhưng là không khai gì với vị đại diện Viện Kiểm sát luôn hỏi để buộc tội. Với lại, nếu hoa hậu không khai gì thì thẩm phán cũng dễ dàng tìm hiểu sự thật qua lời khai của người khác. Tóm lại, không khai gì, im lặng hoàn toàn, không trả lời câu hỏi của tòa, hay là trả lời theo ý mình, là điều bị cáo nên tránh. Để tránh điều mà vốn dĩ không không cải thiện được tình hình này, bị cáo nên: 1.Xác định đối mặt phiên tòa. Vượt qua theo cách tốt nhất có thể. Nên hiểu tình thế của mình. Chấp nhận việc đã xảy ra và tránh phủ nhận nó. Xác định cái sắp xảy ra, phiên tòa và kết quả, là cái trong khả năng mà bị cáo có thể tác động phần nào làm thay đổi theo hướng tích cực. 2.Nỗ lực hình dung cách khai báo phù hợp. Dựa vào trật tự được cáo trạng mô tả, hãy hình thành cách khai báo. Nếu thực sự đã làm cái cáo trạng mô tả, không cần nói là không làm ( hoặc làm từ đầu đến cuối để tránh cho người khác khỏi tội ). Lồng ghép các lý giải theo cách mình hiểu. 3.Tại tòa, nghe kỹ câu hỏi. Tránh trả lời ngay. Hiểu câu hỏi. Định hình câu trả lời. Có thể viết nháp nếu tòa cho sử dụng bút giấy. 4.Thái độ phù hợp. Giọng điệu trả lời, đối đáp vừa phải, rành mạch. 5.Với kiểm sát viên buộc tội, luật sư bên kia, trả lời những cái đã chuẩn bị. Những câu có thể kết tội chính mình, hãy sử dụng quyền im lặng, trả lời kiểu “ tôi xin không trả lời câu hỏi vì có thể buộc tội tôi “, hoặc “ thưa tòa tôi không hiểu câu hỏi này “. 6.Nên có một luật sư trợ giúp trong quá trình điều tra – truy tố - xét xử.