HÌNH SỰ:6 CÁCH ĐỂ GIẢM THIỆT HẠI THEO KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH

HÌNH SỰ:6 CÁCH ĐỂ GIẢM THIỆT HẠI THEO KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
  • Việc phản bác cách tính hậu quả trong các vụ án kinh tế là cách cải thiện tình trạng pháp lý
    Việc phản bác cách tính hậu quả trong các vụ án kinh tế là cách cải thiện tình trạng pháp lý
          Việc công an yêu cầu một tổ chức định giá xác định hậu quả vụ án là việc thường thấy. Hậu quả quyết định ai đó có thể bị quy tội không, hoặc bị nặng như vậy không. Các tội về kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, việc định giá rất quan trọng. Để xác định một giám đốc ngân hàng gây thiệt hại bao nhiêu tiền, công an phải trưng cầu giám định. Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật giám định tư pháp, một số nghị định, thông tư quy định việc này. Vẫn có lỗ hổng lớn: Ở Việt Nam, các tổ chức giám định thực sự chưa phát triển. Người ta chỉ biết các tổ chức pháp y, viện khoa học hình sự. Với các vụ án kinh tế, tài chính, ngân hàng, người ta hay mời các cán bộ ngân hàng nhà nước, Bộ tài chính… Họ có thể là người có chuyên môn, nhưng chắc chắn không phải người định giá chuyên nghiệp. Những người định giá chuyên nghiệp có thể tìm thấy trong các công ty kiểm định chất lượng, như Vinacontrol, trong các công ty chứng khoán, ngân hàng, kiểm toán… Vấn đề là họ không được mời.
         Việc xác định hậu quả ảnh hưởng tới quá trình thi hành án sau này. Người ta chỉ giảm án với những người đã khắc phục xong hậu quả. Nếu bản án xác định một hậu quả trong bị cáo có thể khắc phục, nghĩa là bị cáo có thể ra sớm, có tài sản để sinh sống.
         Trong các vụ án kinh tế, tài chính, ngân hàng… bị cáo thường là yếu nhân của một doanh nghiệp, một ngân hàng, hay công ty chứng khoán. Họ có tiền theo kiện. Chí ít họ cũng có kiến thức chuyên môn để hiểu, đưa ý kiến về cách thức, kết quả việc xác định hậu quả do các chuyên gia ngân hàng, tài chính công an mời đưa ra. Tuy vậy, từ những đại án ngân hàng gần đây, các đại gia khi ra tòa thường không phản bác được gì về hậu quả. Trong khi họ hoàn toàn có thể cải thiện tình hình.
         Như đã nói, người được công an yêu cầu kết luận về hậu quả thường không phải là người chuyên định giá. Những người có kiến thức, kinh nghiệm định giá có thể nằm trong các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty kiểm toán, công ty quản lý chất lượng… Bị cáo các tội kinh tế, tài chính, ngân hàng… nên có nhóm làm việc, gồm luật sư, các chuyên gia có thể đưa ra ý kiến phản bác, tự tính toán một mức hậu quả phù hợp để từ đó kiến nghị tòa xem xét. Ít ra, các bị cáo phải được thông tin đầy đủ về cách thức, kết quả xác định hậu quả và phải sớm có kiến nghị phản bác kết quả này.
          Để đối phó cách xác định hậu quả trong các tội kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, người bị quy tội nên:
1.Hiểu cấu trúc kết tội, tại sao cần chứng minh hậu quả. Hỏi điều tra viên những nội dung bắt buộc phải chứng minh trong trường hợp của mình.
2.Yêu cầu cung cấp thông tin về kết luận giám định: Phương pháp giám định, trình độ giám định viên, con số hậu quả cụ thể.
3.Đưa ra các câu hỏi liên quan đến cách xác định hậu quả, yêu cầu điều tra viên chuyển cho người giám định giải đáp dưới dạng văn bản.
4.Nếu đủ điều kiện, hãy lập một ê – kíp chuyên gia của riêng mình để phản bác kết luận giám định, đưa ra kết quả mới.
5.Dùng ê – kíp chuyên gia tại tòa. Luật sư sẽ phải giải quyết các vấn đề thủ tục để ê – kíp được tham gia phiên tòa, hoặc kết luận của họ được sử dụng.
6.Luật sư sẽ phải soạn một văn bản giải thích cách tính hậu quả của ê – kíp mình, phản bác cách tính do giám định viên công an triệu tập đưa ra.