HÌNH SỰ: 6 CÁCH ĐỂ BỊ CAN CÓ HỒ SƠ KHI RA TÒA

HÌNH SỰ: 6 CÁCH ĐỂ BỊ CAN CÓ HỒ SƠ KHI RA TÒA
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • Ra toà, bị cáo thường không có hồ sơ mang theo. Theo luật mới,điều đó sẽ có thể chấm dứt
    Ra toà, bị cáo thường không có hồ sơ mang theo. Theo luật mới,điều đó sẽ có thể chấm dứt
     Trong các bài viết và trả lời đăng trên web này, chúng tôi đã nói về quyền được tiếp cận hồ sơ tài liệu vụ án của bị can, bị cáo. Đây là một tiến bộ của pháp luật Việt Nam. Bị can, bị cáo được thông tin về hồ sơ, được biết người khác đã khai gì về mình. Điều này khiến bị can, bị cáo hiểu tình trạng pháp lý của mình, từ đó hình thành một thái độ phù hợp trước tòa.
     Bài viết này chúng tôi cũng đề cập tới vấn đề tương tự bằng cách dựa vào quy định pháp luật, đưa ra chia sẻ để bị can, bị cáo có thể thực hiện được quyền tiếp cận hồ sơ, nhất là với bị can đang bị tạm giam. Điều 60, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định bị can có quyền: Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Quyền này được chi tiết hóa tại Thông tư liên tịch 02/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn, địa điểm bị can hoặc người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan tới việc bào chữa. Thông tư ban hành vào 01/02/2018.
     Theo Thông tư, bị can có quyền đọc, ghi chép hồ sơ khi có yêu cầu. Một số yêu cầu bị từ chối là các tài liệu tài liệu liên quan đến bí mật nhà nước, nghề nghiệp, kinh doanh, đời tư...; thông tin người tố giác, thông tin được yêu cầu giữ bí mật. Nếu bị can bị cho rằng đã mua chuộc, cưỡng ép người làm chứng, đe dọa, cản trở người tiến hành tố tụng, đã vắng mặt khi có yêu cầu triệu tập… thì cũng có thể không được tiếp cận tài liệu. Bị can bị cho là tiết lộ thông tin vụ án, hoặc yêu cầu khi chưa kết thúc điều tra, khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử, yêu cầu tiếp cận tài liệu khi vụ án bị đình chỉ cũng có thể không được đáp ứng. Bị can được tiếp cận tài liệu miễn là không thuộc trường hợp bị từ chối.
     Bị can được thông báo về quyền tiếp cận tài liệu khi điều tra viên giao kết luật điều tra, kiểm sát viên giao cáo trạng. Bị can phải có văn bản gửi cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án tùy từng giai đoạn giải quyết vụ án. Nếu bị tạm giam, bị can phải gửi văn bản này đến giám thị trại giam để được xem xét.  Trại giam sẽ chuyển văn bản tới cơ quan điều tra trong vòng 01 ngày kể từ ngày nhận được văn bản. Bị can phải nói rõ mình cần đọc tài liệu gì.
Sau khi cơ quan điều tra tiếp nhận, nếu không thuộc trường hợp bị từ chối tiếp cận tài liệu, cơ quan điều tra sẽ chuẩn bị bản phô tô tài liệu theo yêu cầu bị can, ra một văn bản nói rõ địa điểm, thời gian phù hợp bị can được đọc và ghi chép tài liệu. Nếu bị can không bị tạm giam, nơi đọc và ghi chép là trụ sở cơ quan điều tra. Nếu bị can bị tạm giam, nơi này sẽ là phòng hỏi cung của trại giam. Cũng trong trường hợp bị tạm giam, cơ quan điều tra sẽ cung cấp giấy bút để bị can ghi chép. Ghi chép xong, bút sẽ được thu lại. Giấy được bị can giữ mang vào buồng giam.
     Thời gian bị can đọc, ghi chép tài liệu tính theo lần, mỗi lần không quá 03 giờ. Mỗi ngày không quá 02 lần.
     Từ những quy định trên, theo chúng tôi, một số điều bị can nên nhớ khi thực hiện việc tiếp cận tài liệu:
1.Nhất định đưa ra yêu cầu tiếp cận tài liệu. Yêu cầu trại tạm giam tạo điều kiện bằng cách xin giấy bút để làm đơn yêu cầu.
2.Ghi rõ trong đơn yêu cầu tiếp cận tài liệu: “ Đọc, ghi chép tất cả các bản cung bị can đã khai; các lời khai bị can khác, người bị hại, người làm chứng khai về bị can; kết luận giám định; các tài liệu buộc tội có trong hồ sơ “.
3.Do tài liệu cần ghi chép có thể nhiều, thời gian ghi chép dài, có thể yêu cầu điều tra viên cung cấp bản phô tô tài liệu cần ghi chép.
4.Do không bị hạn chế về số lần được tiếp cận tài liệu, hãy thực hiện việc ghi chép làm nhiều lần, cho đến khi đủ thông tin cần thiết.
5.Yêu cầu điều tra viên sắp xếp hồ sơ, đánh số bút lục, ghi mục lục. Căn cứ vào mục lục để xem qua hồ sơ có gì. Khi ghi chép, nhớ ghi kiểu: Bút lục số bao nhiêu đó, lời khai của ai đó, rồi ghi nội dung.
6.Yêu cầu trại tạm giam cho mang tài liệu ghi chép được ra tòa. Khi ra tòa, nếu không được đáp ứng quyền tiếp cận tài liệu, yêu cầu hoãn phiên tòa và có luật sư để hỗ trợ quyền được thông tin.