HÌNH SỰ: 5 ĐIỀU CẦN NHỚ KHI XÁC ĐỊNH KHAI THẬT
HÌNH SỰ: 5 ĐIỀU CẦN NHỚ KHI XÁC ĐỊNH KHAI THẬT
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội
-
Nên trao đổi với luật sư trước khi khai
Tuy nhiên, từ quá lâu, trong các sách lưu hành nội bộ ngành công an, người ta đã xác định: “ … chỉ sử dụng chứng cứ, sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh vạch mặt mà bị can chịu khai hết mọi vấn đề thì hầu như không có “ ( Phan Hữu Kỳ - Mấy kinh nghiệm về phương pháp và chiến thuật xét hỏi bị can, NXB Công an Nhân dân 1987 ).
Việc có được lời khai của chính bị can có ý nghĩa quan trọng khi kết tội. Các bị can rất đa dạng, đâu chỉ là kẻ ít học, phạm tội lần đầu để cho công an đe dọa hay dắt mũi! Họ còn là quan chức, giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, luật sư, thậm chí là sĩ quan công an là bậc thầy phá án. Họ thừa biết nếu khai, hậu quả là gì. Nhưng mà tại sao họ vẫn khai, những thứ để công an dựa vào mở rộng vụ án, kết tội chính họ?
Rất ít những vụ mà một người không làm gì mà vẫn bị kết tội. Bị can thực sự đã làm một việc, mà vì việc đó, cả cỗ máy công an, Viện Kiểm sát, tòa án vận hành. Tâm lý chung của con người là ưa thích sự công bằng, ghét sự hà hiếp, bắt nạt… Từ bé, con người ta đã bị chi phối bởi những câu chuyện về kẻ ác phải trả giá. Tội phạm cũng vậy. Nếu họ trót làm ác, họ luôn có ước ao giá như điều đó không xảy ra. Cho dù có cố gắng che dấu mọi chuyện, trong thâm tâm họ cũng sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả nếu bị phát hiện. Họ căm ghét chính họ. Điều này khiến họ luôn bị ám ảnh.
Tuy nhiên, tội phạm nào cũng mong thoát lưới pháp luật. Họ lo sợ bị tù tội. Họ thừa biết khai báo đồng nghĩa với thừa nhận tội, không còn đường quay lại. Vì vậy, họ thường khai báo quanh co, nhỏ giọt, thậm chí hoàn toàn gian dối, đổ tội cho kẻ khác, đổ lỗi cho cơ chế…
Điều tra viên biết mâu thuẫn bên trong của bị can như vậy. Luôn có hai thứ động cơ: Động cơ khai báo tích cực ( theo chữ dùng phía công an ), tức là muốn nói hết tất cả những gì xảy ra và động cơ khai báo tiêu cực, mà biểu hiện là quanh co, đổ vấy, lỳ lợm hay thách thức. Điều tra viên sẽ tác động để bị can khai báo tích cực. Cái mà họ gọi là “ đấu tranh động cơ “. Có thể bằng cách chỉ ra rằng công an đã có manh mối, chứng cứ vật chất hay lời khai của kẻ khác chẳng hạn, và việc tìm ra sự thật chỉ là vấn đề thời gian. Cũng có thể là đánh vào sự tự trọng, tâm lý căm ghét bất công… của chính tội phạm. Thậm chí bằng cách chỉ ra thực tế xã hội đối lập với nhận thức bị can, hoặc cơ chế vẫn cho phép thực hiện một công việc mà không cần phải vi phạm pháp luật nếu bị can đổ lỗi cho cơ chế…
Như vậy, có hai điều khiến bị can khai: Một là mong muốn khai của chính họ để đối diện sự thật, thoát khỏi ám ảnh; hai là sự tác động từ bên ngoài của điều tra viên. Việc chấp nhận khai báo hoàn toàn có thể là sự lựa chọn không tránh khỏi.
Tuy nhiên, nên nhớ pháp luật cho phép bị can từ chối khai báo nếu điều đó có thể buộc tội họ. Hành vi khai báo gian dối không bị trừng trị nếu người khai là bị can, bị cáo.
Tóm lại, việc khai hay không hoàn toàn phụ thuộc vào nhận thức của bị can, bị cáo. Công an có dùng nghiệp vụ xét hỏi thì cũng chỉ nhằm tác động vào thứ nhận thức này.
Nói chung, trước khi quyết định khai hay không, bạn hãy xác định:
1/Pháp luật cho phép bạn từ chối khai cái bất lợi cho bạn. Điều này có thể khiến bạn thoát khỏi cuộc đấu tranh nội tâm để tập trung vào việc quan trọng nhất là cải thiện tình trạng pháp lý.
2/Để quyết định khai hay không, bạn nên có các thông tin mà luật cho phép bạn được cung cấp. Ví dụ bạn bị truy tố tội gì? Qui định của tội đó? Các khung hình phạt?
3/Việc khai phải là quyết định của chính bạn. Tuy nhiên nên tham khảo luật sư của bạn xem nên khai không? Khai tại thời điểm nào? Nếu bạn không khai tại công an, nhưng khai toàn bộ tại tòa thì vẫn có thể coi là tình tiết giảm nhẹ được các luật sư đề nghị tòa án xem xét.
4/Điều này bạn cũng nên tham khảo: Nếu bạn không khai tại công an, nhưng lại khai tại tòa và làm cho tòa nghĩ rằng chính tòa đã tác động để bạn khai sự thật, thì nhiều khả năng tòa sẽ hào phóng trong việc cho bạn hưởng tình tiết giảm nhẹ.
5/Nếu bạn quyết định khai tại cơ quan công an, hãy đề nghị họ ghi vào bản cung, hoặc tự tay bạn viết vào bản tự khai những dòng đại ý: Tôi khai vì không muốn làm mất thời gian của công an, Viện Kiểm sát, tòa án hoặc: Tôi nhận thức được lỗi lầm và xin nhận mọi hậu quả .v.v… Nói chung là ghi lại chính cái động cơ khai báo tích cực của bạn.
Share :