HÌNH SỰ: 5 CÁCH TRÁNH KHAI CÁI CÓ THỂ BUỘC TỘI MÌNH

HÌNH SỰ: 5 CÁCH TRÁNH KHAI CÁI CÓ THỂ BUỘC TỘI MÌNH
  • Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư Hà Nội -
  • CDC Hà Nội, nơi xảy ra vụ việc
    CDC Hà Nội, nơi xảy ra vụ việc
     Hiện tại, COVID trải 03 đợt sóng. Cùng những hậu quả ai cũng thấy, nó đẩy nhiều người vào lao lý. Mọi người hẳn còn nhớ: Khi đợt sóng thứ nhất ập vào, khoảng tháng 02, 03/2020, ở Hà Nội xảy ra vụ CDC. CDC – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội – có nhiệm vụ mua máy xét nghiệm COVID. Máy có giá nhập về Việt Nam là 2,3 tỷ đồng. Ông Nguyễn Nhật Cảm, giám đốc CDC lại chỉ đạo thuộc cấp “ thông thầu “ với công ty bán máy, móc nối với công ty định giá ấn định mức giá là 7 tỷ. Ông và 10 người khác bị xử về tội vi phạm quy định về đấu thầu. Ông bị kết án 10 năm tù.
     Tại phiên tòa, luật sư bào chữa cho các bị cáo đã rất nỗ lực. Việc tranh luận kéo dài từ 8 giờ sáng đến gần 8 giờ tối. Nhiều bị cáo được tuyên dưới hoặc bằng  mức thấp nhất Viện Kiểm sát đề nghị. Trong nghề thày cãi, đó có thể coi là một thành công.
     Người viết tâm đắc với câu nói của một luật sư kỳ cựu cùng tham gia bào chữa. Theo chị, trong nghề này mỗi vụ đều là dịp học hỏi. Sự học hỏi, rút kinh nghiệm có thể khiến cho việc bảo vệ các bị cáo sau này tốt hơn. Nếu kinh nghiệm được chia sẻ, nó cũng giúp bị can, bị cáo khác có thể tự bảo vệ mình tốt hơn.
     Trong vụ việc này, cả 10 bị cáo bị quy thông thầu  với vai trò khác nhau. Một nhóm người, dưới danh nghĩa công ty Phương Đông bán máy cho CDC. Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên kinh doanh trong nhóm bán máy, khai: Nhất hứa hẹn cắt 15% giá bán cho ông Cảm – giám đốc CDC, bên mua. Ông Cảm bị quy chỉ đạo cấp dưới hoàn thiện hồ sơ thầu, mua máy với giá 7 tỷ. Cáo trạng cho là nhóm người bán có thỏa thuận ăn chia với nhau.
     Những lời khai một chiều, kiểu con số 15%, rõ ràng được dùng để buộc tội các bị cáo bên bán. Ông Cảm phủ nhận lời khai này. Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất khai điều tra viên yêu cầu anh ta lập bảng tính nếu 15% thì là bao nhiêu, và rồi bảng tính lại được sử dụng như tài liệu thu được từ phía công ty bên bán, được công tố viên sử dụng như một chứng cứ buộc tội rõ ràng.
     Vấn đề ở đây là: Bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất đã khai một lời khai dùng để buộc tội chính mình. Trong khi theo luật, anh ta không bị buộc phải đưa ra lời khai này. Đáng ra, anh ta nên có đơn tường trình tại sao khai như vậy và phủ nhận con số 15%. Nói chung, những thứ trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết đáng ra khi bị nói ra, kể như người trong cuộc tự tròng dây thừng vào cổ.
     Từ vụ việc trên, cũng như nhiều vụ khác đã tham gia, người viết  chia sẻ vài ý dưới đây, để bị can, nhất là đang bị tạm giam, tránh việc khai những thứ dùng để buộc tội mình:
1.Yêu cầu điều tra viên giải thích rõ tội danh mình bị quy kết. Gồm cả giải thích rõ những yếu tố buộc tội mà luật buộc người buộc tội – điều tra viên, kiểm sát viên – chứng minh. Giành thời gian xác định “ khung “ gỡ tội. Chẳng sao nếu yêu cầu điều tra viên làm việc vào buổi khác, khi đã trấn tĩnh và nhớ ra chi tiết vụ việc.
2.Cũng chẳng sao nếu từ chối khai những cái mình đã làm. Người buộc tội có nghĩa vụ chứng minh. Từ chối khai không làm tăng mức hình phạt. Hãy nhớ vụ Trương Hồ Phương Nga, cô ta không khai bản cung nào và người ta đã không buộc tội được cô ta.
3.Với những thứ đã khai, nếu cảm thấy bất lợi, đơn giản là yêu cầu khai lại, làm tường trình phủ nhận lời khai, giải thích sự việc theo một logic.
4.Tận dụng phiên tòa để đưa ra lời khai có lợi, phủ nhận lời khai bất lợi. Điều này chỉ có thể làm tốt khi có một luật sư. Luật sư sẽ chủ động hỏi những câu đã hướng dẫn sẵn cho bị cáo trả lời.
5.Luôn thực hiện quyền yêu cầu có bản sao lời khai người khác về mình, lời khai của chính mình. Hoàn toàn có thể hỏi điều tra viên xem người khác đã khai gì về mình. Không bỏ qua cơ hội được đối chất.
     Những thứ ở trên có thể gọi là thực hiện “ quyền im lặng “ một cách chủ động. Việc này rõ ràng tốt hơn nếu bị can, bị cáo có luật sư.