HÌNH SỰ:5 CÁCH ĐỂ ĐIỀU HÀNH DOANH NGHIỆP TỪ TRẠI GIAM
HÌNH SỰ:5 CÁCH ĐỂ ĐIỀU HÀNH DOANH NGHIỆP TỪ TRẠI GIAM
- Bài viết của Luật sư Lê Vinh, Trưởng Văn phòng Luật sư Chương Dương, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội -
-
Một trong số những người này nếu là chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể điều hành doanh nghiệp từ trong trại giam
Thực trạng thường thấy là sau khi các ông chủ dính lao lý, các doanh nghiệp thường bê trễ, thậm chí phá sản. Việc bị hạn chế tự do khiến các ông chủ không quán xuyến được doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chưa hẳn quyền của người bị tạm giam, bị phạt tù đã được thực hiện tốt.
Trong các quy định về tạm giam và thi hành án phạt tù, quyền điều hành doanh nghiệp của bị can, sau đó là của người phải chấp hành hình phạt tù, không hề bị cấm cản. Điều 9, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: Người bị tạm giữ, tạm giam được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự. Điều 27, Luật thi hành án hình sự 2019 cũng quy định: Phạm nhân được gặp đại diện của cơ quan, tổ chức và được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định pháp luật.
Các giao dịch như bán nhà, trả nợ ngân hàng từng được thực hiện trong trại giam. Có những phạm nhân là doanh nhân được trại giam sử dụng để tư vấn các hoạt động sản xuất trong trại, tạo ra sản phẩm hữu ích và cung cấp sản phẩm này cho thị trường. Ông chủ của ngân hàng ACB danh tiếng vẫn có thể thực hiện quyền cổ đông lớn nhất khi vẫn là phạm nhân. Giá trị cổ phiếu ACB vẫn đảm bảo.
Thực tế, mỗi phạm nhân trong trại giam đều có một quyển sổ thăm gặp. Người nhà phạm nhân đăng ký tên tuổi, xác định mối quan hệ với phạm nhân. Việc thăm gặp diễn ra theo tháng, nếu phạm nhân tuân thủ tốt kỉ luật trại giam. Hoàn toàn có thể thăm gặp đột xuất. Giấy tờ, văn bản gửi đến trại giam sẽ được chuyển tận tay phạm nhân. Chẳng có vấn đề gì nếu vị kế toán trưởng doanh nghiệp đăng ký gặp ông chủ đang là phạm nhân mỗi tháng một lần để báo cáo tình hình doanh nghiệp và nhận chỉ đạo.
Nếu đang bị tạm giam thì tình thậm chí ông chủ được thoải mái hơn trong việc điều hành doanh nghiệp. Việc tiếp xúc với người của doanh nghiệp để chỉ đạo điều hành doanh nghiệp nên được thông tin và nhận được sự cho phép của cơ quan điều tra. Việc ký các giấy tờ, hợp đồng hoàn toàn có thể nếu người của doanh nghiệp mang nó vào trại tạm giam và việc này được thông báo cho cơ quan điều tra và trại tạm giam biết. Nếu luật sư bào chữa được thăm gia vụ án từ giai đoạn điều tra, ông chủ có thể gặp luật sư bào chữa hàng tuần, thậm chí vài lần một tuần.
Vậy, một người là chủ doanh nghiệp, làm gì để có thể tiếp tục điều hành doanh nghiệp của mình trong trại tạm giam và trại giam? Có vài cách thức nên thử:
1/Làm đơn trình bày trong đó thông báo với cơ quan điều tra, trại tạm giam, trại giam về vai trò của mình trong doanh nghiệp, các giao dịch cần tiến hành, các món nợ… Đề xuất được tạo điều kiện để tiến hành một số hoạt động điều hành, thực hiện các giao dịch quan trọng. Nên có luật sư trợ giúp việc này.
2/Liên lạc với chính doanh nghiệp để xác định cách thức điều hành khi bị tạm giam, thi hành án. Ủy quyền cho một người thay mặt mình điều hành hoạt động kinh doanh.
3/Lên phương án thăm gặp cụ thể cho người được ủy quyền. Thông báo cho cơ quan điều tra, trại tạm giam, trại giam biết. Đối với các giao dịch cần có mặt công chứng viên, nên thông báo riêng cho cơ quan điều tra, trại tạm giam, trại giam và đề nghị tạo điều kiện.
4/Bắt đầu từ khi bị tạm giam, nên có một luật sư bào chữa. Khi có luật sư bào chữa, trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo có thể gặp luật sư nhiều lần. Các hoạt động chỉ đạo, điều hành, thông báo tình hình doanh nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện qua luật sư.
5/Do việc chỉ đạo, điều hành, tiến hành các giao dịch liên quan đến doanh nghiệp là việc hoàn toàn mới với cơ quan điều tra, trại tạm giam, trại giam, sẽ không tránh khỏi lúng túng từ phía các cơ quan này. Nếu cần nên làm đơn trình bày và yêu cầu trợ giúp gửi cho giám đốc công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát tỉnh.
Share :